Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và người khuyết tật trong việc tiếp cận công nghệ thông tin

23/10/2013 14:45

Ngày 23.10, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình châu Á Thái Bình Dương (ABU), Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức Diễn đàn cấp cao "Phụ nữ với Làn sóng" nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ và những người khuyết tật trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và báo chí truyền thông. Tới dự có Bộ trưởng Bộ Lao động- TBXH Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và người khuyết tật trong việc tiếp cận công nghệ thông tin
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và người khuyết tật trong công nghệ thông tin, báo chí và truyền thông. Thực tế cho thấy, chị em phụ nữ và người khuyết tật đã thực sự tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, báo chí, truyền thông cũng như thụ hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế xã hội do công nghệ thông tin, truyền thông mang lại. Công nghệ thông tin, báo chí và truyền thông cũng được coi là những công cụ đắc lực góp phần nâng cao quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, giúp NKT hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Hiện, cả nước có gần 30% cán bộ nữ làm công tác báo chí chuyên nghiệp trong gần 800 cơ quan báo chí, thông tấn, đài phát thanh truyền hình. Theo số liệu của 17 khoa chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học, nữ giảng viên công nghệ thông tin chiếm 26%, trong đó có 16 tiến sĩ. Tỷ lệ nữ sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học ngành công nghệ thông tin chiếm 32,4%. Tỷ lệ lao động nữ trong các công ty chuyên về lĩnh vực truyền thông ngày càng gia tăng với năng lực, trình độ chuyên môn ngày càng cao. Thêm vào đó, mạng lưới cán bộ truyền thông về bình đẳng giới được thiết lập và duy trì tiếp tục là kênh thông tin quan trọng giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới với các cơ quan thông tấn báo chí. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ thông tin cũng được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh. Đến nay, 100% các trung tâm và cơ sở dạy nghề của các tỉnh, thành Hội đã tổ chức đào tạo nghề về tin học cho hàng trăm ngàn phữ, chủ yếu là phụ nữ trẻ.

Trong công tác hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin, Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho NKT. Nhiều hoạt động trợ giúp NKT tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông đang được triển khai thực hiện như: Đài Truyền hình Việt Nam đã có chương trình phát sóng có phụ đề tiếng Việt và ngôn ngữ ký hiệu dành cho NKT (kênh VTV2), chương trình những tấm gương điển hình về NKT. Nhiều tài liệu đã được biên soạn và xuất bản có in chữ nổi Braille dành cho người khiếm thính. Nhiều tổ chức hội của NKT và vì NKT đã tổ chức nhiều chương trình nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật về các điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và tham gia các hoạt động hòa nhập xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự tham gia của phụ nữ và NKT trong công nghệ thông tin và báo chí truyền thông còn nhiều hạn chế, đó là: Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo trong lĩnh vực này chưa cao và việc tuyển dụng lao động là NKT chưa được chú trọng. Do thiếu thời gian và trình độ học vấn nên phụ nữ và NKT vẫn khó tiếp cận được với công nghệ thông tin. Mặc dù, các chuyên mục phát sóng về bình đẳng giới, NKT trên kênh truyền hình, truyền thanh địa phương đã được quan tâm song thời lượng chưa nhiều, hình thức thể hiện và nội dung truyền tải chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của chị em, nhất là những phụ nữ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ gia đình có NKT thuộc diện hộ nghèo còn cao, số trẻ khuyết tật đến trường và mù chữ vẫn còn, những NKT được học nghề và có việc làm nhưng mức thu nhập thấp, việc NKT tiếp cận các sản phẩm công nghệ thông tin, các công trình giao thông công cộng vẫn còn khó khăn. Đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên làm công tác xã hội, giáo dục, giúp đỡ, chăm sóc NKT thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ.
Do vậy, để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ và NKT trong công nghệ thông tin, báo chí và truyền thông, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011- 2020 và Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2011- 2020, Bộ trưởng cũng mong rằng, các đại biểu tham gia Diễn đàn cùng trao đổi, chia sẻ những thực tiễn về các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc hỗ trợ đảm bảo bình đẳng giới và đối xử ưu đãi với NKT trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và báo chí truyền thông; những định hướng trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011- 2020 và Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2011- 2020 sẽ tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và toàn thể xã hội. Cùng với đó là sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức quốc tế về kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính.
Thu Hương
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll