Một số kinh nghiệm tăng cường công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở các địa phương

18/10/2013 10:51

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (CBR) là chương trình quốc gia nhằm tăng cường chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật và gia đình họ, giúp NKT sớm hòa nhập với cộng đồng. Với ý nghĩa nhân đạo này, chương trình CBR cần sự nỗ lực của không chỉ bản thân và gia đình NKT mà còn cả sự quan tâm của cộng đồng, các tổ chức, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề và xã hội. Trong những năm qua, đã có nhiều địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả chương trình này, góp phần phục hồi tối đã khả năng hoạt động của NKT, tạo điều kiện để họ và gia đình chủ động tham gia tích cực vào quá trình PHCN, đồng thời làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về PHCN, xây dựng một môi trường cộng đồng không rào cản, giúp NKT có điều kiện và cơ hội bình đẳng trong xã hội.

Một số kinh nghiệm tăng cường công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở các địa phương
Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị là một tổ chức xã hội có đầy đủ tư cách pháp nhân, được UBND tỉnh cho phép thành lập. Trải qua 23 năm hoạt động, Hội đã có những đóng góp tích cực vào việc cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho những người yếu thế, nhất là NKT. Đặc biệt, đối với Dự án CBR mà Hội đã và đang thực hiện do Tổ chức Cartias- CHLB Đức tài trợ từ tháng 1/2001- 12/2013 tại 3 địa điểm là thành phố Đông Hà, huyện Gio Linh và huyện Cam lộ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo bà Võ Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch Hội, sau hơn 10 năm thực hiện, Dự án đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng và NKT, góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về NKT, tăng sự hiểu biết về CBR để từ đó tham gia tích cực hơn với chương trình. Bên cạnh đó, Dự án đã đem lại cho NKT và gia đình họ lòng tự tin, xóa bỏ mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. NKT đã được học tập, PHCN, được tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, đời sống tinh thần và vật chất được cải thiện rõ rệt. Thông qua Dự án, đã có 3.568 học viên là các cán bộ Ban điều hành dự án, lãnh đạo các phường, xã nằm trong vùng dự án, cộng tác viên, nhân viên y tế cộng đồng... được tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ thuật về PHCN, cách phát hiện và can thiệp sớm một số khuyết tật thường gặp và những thức về sử dụng vốn quay vòng, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, sinh hoạt câu lạc bộ và chế độ chính sách và những vấn đề liên quan đến NKT.

Hội đã tổ chức khám chọn đối tượng đưa vào chương trình thông qua các đợt thăm khám, kiểm tra định kỳ. Luyện tập PHCN được thực hiện dưới 2 hình thức là tại cộng đồng và bán trú tại 2 trung tâm (trụ sở Hội và xã Cam Nghĩa). Trong đó, hình thức tại cộng đồng là chủ yếu và được giao cho cộng tác viên và tình nguyện viên gia đình. Mỗi CTV phụ trách từ 5- 10 đối tượng (gia đình NKT) theo địa bàn. Còn mỗi tình nguyện viên phụ trách 1 NKT trong gia đình trực tiếp luyện tập nuôi dưỡng đối tượng. Mỗi tuần, CTV ít nhất 2 lần đến nhà đối tượng để kiểm tra công tác luyện tập và hướng dẫn tình nguyện viên chăm sóc đối tượng. Cùng với đó, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên và ban điều hành dự án cũng thường xuyên kiếm tra hoạt động này. Trong 13 năm qua, đã có 1.946 lượt NKT với các dạng khuyết tật khác nhau được thụ hưởng chương trình này.

Ngoài ra, PHCN còn được kết hợp với phẫu thuật chỉnh hình và khám chữa bệnh miễn phí. Trong thời gian qua đã có 43 đối tượng NKT được khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình và được cung cấp các vật dụng y tế, thuốc men chăm sóc. Hội đã thành lập câu lạc bộ NKT và gia đình NKT, thiết lập và duy trì hoạt động của Quỹ Tín dụng quay vòng, nhằm giúp gia đình NKT có điều kiện làm kinh tế, tăng thu nhập cải thiện đời sống, góp phần nâng cao sức khỏe cho NKT. Dự án đã cho 535 hộ gia đình NKT vay vốn với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng, và tỷ lệ hoàn trả vốn đạt 96%.
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng là một địa phương thực hiện tốt chương trình CBR. Thực hiện chương trình từ tháng 6/2003, tỉnh đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh. Tại các trạm y tế xã, phường đều có các cán bộ chuyên trách hiện nhiệm vụ hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng trực tiếp cho NKT có nhu cầu tập luyện tại cộng đồng. Ngoài ra, còn bố trí đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng để trợ giúp cho các cán bộ chuyên trách tuyến xã, thị trấn, khu nhằm phát hiện, nhận NKT vào tập luyện PHCN. Hiện trên địa bàn tỉnh có 98 cán bộ chuyên trách, trong đó tuyến xã có 82 người và 666 cộng tác viên.
Với mục tiêu chung là giúp NKT phục hồi tối đa về thể chất, tinh thần nhằm tạo điều kiện để hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng, Chương trình thường xuyên cử cán bộ chuyên trách đi đào tạo về phục hồi chức năng cũng như tham gia các hợp tập huấn nâng cao năng lực quản lý phục hồi chức năng và kỹ năng phát hiện sớm, can thiệp sớm; tổ chức thực hành tập luyện tại Khoa Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại bệnh viện tỉnh nhằm giúp cán bộ chuyên trách học tập thực tế trên bệnh nhân cách khám, phát hiện nhu cầu và đưa ra phương pháp tập luyện phù hợp, được tiếp xúc và thực hành với các thiết bị PHCN đa dạng tại bệnh viện để họ tự tin hơn vào kỹ thuật tập luyện của mình đối với NKT.
Bên cạnh đó, định kỳ còn tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản về PHCN, cách thu nhập thông tin về NKT và phát hiện NKT mới cho các cộng tác viên tại các trạm y tế xã, phường. Tập huấn cho cộng tác viên thông qua các đợt giám sát hướng dẫn tập luyện PHCN tại nhà cho NKT của các cán bộ chuyên trách tuyến tỉnh, huyện, xã, tạo điều kiện giúp họ được tiếp xúc học hỏi trực tiếp kinh nghiệm tập luyện. Cùng với đó, các huyện đã xây dựng mô hình mới trong việc đào tạo như đưa cán bộ chuyên trách xã, thị trấn lên Khoa PHCN của trung tâm y tế để thực hành trên bệnh nhân. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có 2.032 NKT được hướng dẫn PHCN, 225 người được hướng dẫn tự sinh hoạt cá nhân, 29 trẻ em được đi học, 31 người lao động sản xuất, 11 người tham gia công tác hoạt động xã hội. Đồng thời, chương trình đã tuyên truyền cho người dân biết cách phòng ngừa tàn tật, NKT tự tập luyện PHCN và hòa nhập với xã hội.
Tỉnh Đăk Lăk có dân số trên 1,8 triệu người, trong đó tỷ lệ NKT chiếm 6- 7%. Theo thống kê, nhu cầu phục hồi chức năng của NKT trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, hệ thống mạng lưới PHCN trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa có Bệnh viện Phục hồi chức năng riêng. Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan, một chương trình CBR đã được triển khai trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của nhiều ban, ngành, tổ chức nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NKT hòa nhập cộng đồng.
Sau 10 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể, các hoạt động hỗ trợ NKT được thực hiện theo một nguyên tắc toàn diện và dựa vào nhu cầu. Mỗi NKT sau khi được phát hiện và chuẩn đoán tình trạng khuyết tật đều tham gia cùng với gia đình và cán bộ y tế trong việc đánh giá nhu cầu hỗ trợ cụ thể. Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp như phục hồi chức năng tại nhà hoặc cần thêm dụng cụ trợ giúp, học nghề, tạo việc làm, vay vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Với trẻ NKT, ngoài nhu cầu PHCN nâng cao sức khỏe còn cần được tới trường và hòa nhập cùng bạn bè, cộng đồng. Do vậy, tỉnh đã triển khai đồng thời 3 lĩnh vực hỗ trợ là PHCN y học (phục hồi chức năng tại viện và PHCN dựa vào cộng đồng); Giáo dục cho trẻ khuyết tật (tại Trung tâm và Giáo dục hòa nhập); Hỗ trợ tín dụng cho NKT và gia đình làm kinh tế, cải thiện thu nhập.
Trong đó, mọi nội dung hoạt động đều tuân theo nguyên tắc lấy NKT làm trung tâm, tập trung vào gia đình, nhóm tự lực của NKT và kết quả cuối cùng đều phải hướng tới việc tăng cường vai trò, sự tham gia của chính nKT. Bản thân NKT sẽ là người chủ động giải quyết những khó khăn của họ với sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thành tiên khác trong cộng đồng.
Để thực hiện mô hình CBR, tỉnh Đăk Lăk đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ NKT tại các tuyến tỉnh, huyện và xã, trong đó có sự tham gia của các ban, ngành như y tế, giáo dục, lao động, thương binh xã họi, dân số và hội phụ nữ... Để chuyển giao kiến thức và kỹ năng PHCN xuống tận cộng đồng, tỉnh đã xây dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật rộng khắp và chặt chẽ, với mối liên hệ hữu cơ giữa các tuyến. Trong đó, tại tuyến tỉnh, đã thành lập nhóm chuyên môn kỹ thuật bao gồm các thành viên là bác sĩ, kỹ thuật việt PHCN tại Khoa PHCN của hai bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên viên theo dõi PHCN của Sở Y tế. Đây là nhóm có kiến thức, kỹ năng PHCN chuyên sâu và chuyên nghiệp bên cạnh các ciến thức cơ bản về quản lý chương trình CBR. Đối với tuyến xã, tham gia vào CBR tại cộng đồng là các nhân viên trạm y tế xã và y tế thôn, bản nên các đối tượng này được tập huấn đảm bảo có kiến thức và kỹ năng phát hiện khuyết tật và đánh giá nhu cầu cơ bản của NKT, theo dõi và hỗ trợ NKT, gia đình họ trong quá trình tập luyện PHCN tại nhà.
Từ chỗ ban đầu, chương trình thực hiện thí điểm ở 3 xã tại một huyện, tới nay đã bao phủ được 58 xã của 5 huyện, thành phố với tổng số NKT được quản lý, theo dõi gần 10.000 người, trong đó gần 80% được hưởng lợi từ chương trình, bao gồm 7.308 người lớn khuyết tật và 2.208 trẻ em khuyết tật. Tỷ lệ đối tượng được PHCN có tiến bộ và hòa nhập cộng đồng chiếm 27%, tỷ lệ trẻ khuyết tật được đi học hòa nhập chiếm 84% tổng số trẻ trong vùng dự án. Bên cạnh đó, chương trình đã hỗ trợ cho 177 hộ gia đình NKT được vay vốn, nhờ đó đã có 87% số hộ thoát nghèo; khoảng 80% gia đình có NKT có nhu cầu PHCN tại nhà đã được tập huấn để biết cách chăm sóc và hỗ tợ NKT; gần 12.000 lượt nhân viên y tế thôn, bản được tập huấn cách phát hiện khuyết tật, hướng dẫn và theo dõi gia đình NKT giúp đỡ họ tập luyện PHCN tại nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình CBR ở các địa phương, cơ sở cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh, chưa có Viện PHCN quốc gia; một số tỉnh chưa có bệnh viện PHCH và có thành lập Ban Điều hành nhưng hoạt động không thường xuyên và chưa có hiệu quả. Hơn nữa, đội ngũ cộng tác viên thực hiện chương trình phải đảm nhiệm nhiều công việc, trong khi phụ cấp kinh phí thấp. Do vậy, thời gian tới để thực hiện có hiệu quả chương trình này, giúp cho những đối tượng yếu thế, nhất là người khuyết tật có cuộc sống ổn định, hoà nhập cộng đồng thì rất cần có sự chung tay của các cấp, các ngành.
Hồng Phượng
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll