Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn

22/10/2021 14:00

Tháng 10 này, Sở LĐ-TB&XH tổ chức trao hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, dụng cụ học tập cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh nhằm giúp họ giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, thích ứng với đại dịch. Những hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KOICA).

Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn

Theo Sở LĐ-TB&XH, có 200 người trong tổng số 1.072 nạn nhân bom mìn toàn tỉnh được xét nhận hỗ trợ sinh kế đợt này, gồm 135 con bò giống, 64 con heo giống và 3.300 con gà. Đối tượng nhận hỗ trợ là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng nhận hỗ trợ sinh kế trước đó, có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và cam kết thực hiện theo yêu cầu của dự án, đối ứng nếu chọn con giống mà kinh phí nhiều hơn mức dự án hỗ trợ.

Ông Trần Văn Diệu (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) với con bò cái mới mua từ nguồn hỗ trợ sinh kế của Dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Ảnh: N.T

Qua khảo sát thực tế, Sở LĐ-TB&XH phân bổ số sinh kế này về huyện Phù Mỹ (200 suất), TX Hoài Nhơn (79 suất) và huyện An Lão (1 suất). Mức hỗ trợ bao gồm: 15,5 triệu đồng/con bò, 12.000 đồng/con gà và 3,5 triệu đồng/con heo. Cùng với việc nhận con giống, trong khuôn khổ Dự án, nạn nhân bom mìn trong diện thụ hưởng còn được cấp thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng cho con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bền vững.

Tại huyện Phù Mỹ, những người được nhận sinh kế đều bày tỏ sự vui mừng và quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình. Ông Trần Văn Diệu (ở xã Mỹ Cát) tâm sự, lâu nay con bò cái già của gia đình rất khó thụ thai, lại đẻ con còi cọc, nuôi không lớn. Chỉ vào con bò cái tơ đang nhai cỏ trong chuồng, ông bảo nhờ số tiền hỗ trợ, vợ chồng mạnh dạn thêm một số tiền nữa, mua con này. “Nhiều người đã nuôi nói với tôi giống này đẻ năm một, bê con sinh ra mạnh khỏe và nhanh lớn lắm. Năm ngoái, tôi đã được tham dự lớp tập huấn về cách chăn nuôi, tiêu thụ nông sản hiệu quả rồi, hy vọng giờ có bò sẽ thực hành đạt kết quả như mong muốn”, ông Diệu hồ hởi.

Cùng với hoạt động hỗ trợ sinh kế, từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp tục phối hợp với KOICA xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ học nghề cho 2 nạn nhân bom mìn, hỗ trợ dụng cụ học tập cho 3 nạn nhân. Sở xây dựng kế hoạch, đề xuất Ban Quản lý dự án khảo sát tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh; rà soát danh mục dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ thiết lập và vận hành đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bom mìn để tiến hành thủ tục đấu thầu và cung cấp dụng cụ cho Trung tâm. Kết quả, Dự án đã hỗ trợ cho Trung tâm 97 dụng cụ vật lý trị liệu (thuộc 31 danh mục), góp phần phục vụ hoạt động phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại đây.

Thời gian qua, Sở đã hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý trường hợp và hoàn chỉnh dữ liệu trên hệ thống phần mềm cho 1.072 nạn nhân bom mìn. Tích cực phối hợp với địa phương thực hiện đánh giá phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn thực hiện trên mẫu phiếu trực tuyến (online). Tuần trước, Sở cũng đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục mở khóa đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn cho 40 cán bộ, công chức công tác tại các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Nguyễn Văn Hùng, cùng với nỗ lực rà phá bom mìn tại các địa phương, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt hơn luôn được tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai hiệu quả trên địa bàn. “Hy vọng rằng, những hoạt động thiết thực dành cho đối tượng này còn tiếp tục, giúp số đối tượng khó khăn, nhất là khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng”, ông Hùng bày tỏ.

Nguồn: NGỌC TÚ - baobinhdinh.com.vn  

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll