Định hướng triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020

13/04/2013 09:43

Sau 5 năm thực hiện Đề án Trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010, việc ban hành các văn bản pháp luật, triển khai thực hiện các chính sách, chế độ trợ giúp người khuyết tật (NKT), trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, xã hội và gia đình đối với NKT đã từng bước được nâng cao; quyền và nghĩa vụ của họ đã được quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trợ giúp, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đa số NKT.

Một số Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong các lĩnh vực: trợ cấp xã hội, giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm, khám, chữa bệnh, cấp học bổng, miễn giảm học phí, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tiếp cận các công trình công cộng… nhờ vậy, đời sống của NKT được cải thiện rõ rệt, vị thế của họ ngày càng được khẳng định trong các hoạt động kinh tế - xã hội ở nước ta. 
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách trợ giúp NKT còn nhiều bất cập, một số quy định của pháp luật về NKT còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa cụ thể và chưa chú trọng đề ra các biện pháp khả thi trong tổ chức thực hiện. Nhận thức của cộng đồng, gia đình, một số cấp chính quyền và chính bản thân NKT ở nhiều nơi chưa thật đúng mực; tỷ lệ trẻ khuyết tật được học văn hóa tại các trường, lớp theo mô hình hòa nhập còn thấp; các mô hình giáo dục chuyên biệt hiệu quả chưa cao; việc tiếp cận các công trình công cộng của một bộ phận người khuyết tật còn nhiều trở ngại, khó khăn. Còn nhiều NKT có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách trợ cấp, trợ giúp. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay kéo theo những biến động về giá cả sinh hoạt, trong khi mức trợ cấp cho NKT chưa được điều chỉnh kịp thời, làm cho đời sống của họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp NKT theo quy định của Luật Người khuyết tật; đồng thời, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II Thiên niên kỷ Biwako về NKT khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Công ước về Quyền người khuyết tật, ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020.
Mục tiêu chung của Đề án là hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện giúp họ vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, Đề án chia làm 2 giai đoạn với những chỉ tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của NKT trong các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, lao động, xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin, văn hóa, thể thao, pháp lý…
Theo đó, giai đoạn 2012 – 2015, phấn đấu mỗi năm có 70% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 60.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Ít nhất 50% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương. 30% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. 20% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 25% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao. 90% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 60% cán bộ làm công tác trợ giúp được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ NKT; 40% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT; 30% NKT được tập huấn các kỹ năng sống.
Giai đoạn 2016 - 2020, Để án tiếp tục thực hiện các nội dung của giai đoạn 2012 - 2015 với những chỉ tiêu cao hơn cho từng lĩnh vực như tiếp cận y tế là 90%, tiếp cận giáo dục 70%, tạo việc làm cho 300.000 người, tiếp cận xây dựng 100%, tiếp cận giao thông 80%, trợ giúp pháp lý 100%...
So với giai đoạn 2006 - 2010, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn này đã đưa ra những nội dung mang tính tiếp cận hơn với nhu cầu của đối tượng, trong đó có những nội dung mới, đó là tiếp cận phương tiện giao thông, trợ giúp pháp lý và tập huấn kỹ năng. Đây là những vấn đề thực tiễn NKT còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm tháo gỡ để góp phần mở rộng cánh cửa hòa nhập. Bên cạnh những nội dung tiếp nối thành quả của Đề án giai đoạn trước, những nội dung mới được đưa vào Đề án thực sự làm thỏa lòng mong mỏi của NKT và những người hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp NKT.
Quan điểm chỉ đạo thực hiện Đề án là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội và bản thân NKT về vấn đề khuyết tật và người khuyết tật để bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ và tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng; khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của NKT; tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, chú trọng đến các hoạt động trợ giúp NKT nhằm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe,…). Nhà nước bảo đảm và khuyến khích việc huy động các nguồn lực cho công tác trợ giúp NKT phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để trợ giúp người khuyết tật.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì thực hiện Đề án và có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động: Nâng cao nhận thức về NKT và các vấn đề liên quan; Phục hồi chức năng lao động, dạy nghề tạo việc làm; nâng cao năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát đánh giá các chính sách, đề án và tổng hợp tình hình thực hiện đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan ở địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể sau:
Tiến hành đánh giá 2 năm tình hình thực hiện Luật NKT và các chính sách, giải pháp trợ giúp NKT giai đoạn 2010 – 2012 trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, những nhiệm vụ của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình thực tế của địa phương. Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn; tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật theo quy định của nhà nước, trong đó tập trung ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ NKT; các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, cải tạo hạ tầng cơ sở thiết yếu đảm bảo tiếp cận cho NKT.
Tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng người khuyết tật, các đặc trưng về giới tính, tuổi, các dạng tật, hạng tật, tình trạng việc làm của người khuyết tật, thu nhập đời sống của người khuyết tật…  làm căn cứ tham mưu đề xuất xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật, chính sách cho người khuyết tật và hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật.
Hàng năm bố trí ngân sách từ nguồn chi thường xuyên của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Đề án.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức việc thực hiện Luật Người khuyết tật và các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, các biện pháp phòng ngừa khuyết tật, phòng chống bạo lực, phân biệt đối xử với người khuyết tật; phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông./.
Nguyễn Trọng Đàm
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
 
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll