Nắm chắc nhu cầu đối tượng để vận động hiệu quả

11/03/2013 03:00

Để trở thành tỉnh Hội có nguồn vận động quỹ cao nhất cả nước trong hai năm liền, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực đầu tư, sáng tạo với những phương pháp hoạt động mang tính hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến những tác động tích cực từ công tác điều tra, quản lý đối tượng trên địa bàn. Ông Bùi Văn Lượm, Phó Chủ tịch tỉnh Hội đã chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động này của tỉnh Hội

Nắm chắc nhu cầu đối tượng để vận động hiệu quả
Phóng viên: Kể từ khi hòa chung hoạt động vào hệ thống Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam năm 2011, trong hai năm liền, Vĩnh Long là tỉnh Hội có nguồn ủng hộ quỹ Hội cao nhất cả nước. Kết quả này được xây dựng trên những yếu tố nào, thưa ông?

 Ông Bùi Văn Lượm: Với tỉnh Hội Vĩnh Long, kết quả vận động quỹ có được sau cả một quá trình thống nhất giữa các công việc, bắt đầu từ điều tra, thống kê đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, đến xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ và vận động nhà tài trợ. Mỗi hoạt động lại cần một phương pháp triển khai riêng. Trong đó, chúng tôi xác định công tác điều tra, quản lý đối tượng đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt cả quá trình và tác động lớn đến hiệu quả vận động. Vì vậy, giai đoạn này đã được tỉnh Hội Vĩnh Long chú trọng, tiến hành rất cụ thể, chi tiết và chính xác đến từng đối tượng.

Đối tượng cần bảo trợ của tỉnh Hội đa dạng, gồm cả người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo với nhu cầu đa dạng. Vì vậy, việc đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhóm đối tượng này và trợ giúp các nhu cầu cần thiết phục vụ đời sống của họ ngày càng tốt hơn là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tham gia của xã hội. Hoạt động điều tra, thống kê đối tượng sẽ làm rõ về số lượng, dạng tật, tình hình thụ hưởng bảo trợ xã hội của Nhà nước của người khuyết tật, bệnh nhân nghèo, nhu cầu của họ trong cuộc sống là gì, họ cần gì và thiếu gì? Đối với trẻ mồ côi thì tìm hiểu xem trẻ đang sống với ai, gặp khó khăn gì và mong muốn gì? Chúng tôi lập mẫu điều tra riêng, cụ thể, bao gồm cả thông tin chi tiết về gia cảnh của đối tượng và hình ảnh thực tế của họ. Thông tin này được sử dụng để quản lý đối tượng đồng thời để vận động nhà tài trợ.

 Phóng viên: Việc điều tra, quản lý đối tượng có ý nghĩa như thế nào trong quá trình vận động tài trợ, thưa ông?

 Ông Bùi Văn Lượm: Muốn thuyết phục nhà tài trợ thì bản thân Hội phải biết mình có bao nhiêu đối tượng, họ cần gì, mong muốn gì? Từ việc điều tra, thống kê, Hội phân loại được ngay nhu cầu của đối tượng: có bao nhiêu người cần xe lăn, xe lắc, bao nhiêu người cần vốn sản xuất, bao nhiêu trẻ mồ côi cần xe đạp, học bổng… Đối với bệnh nhân nghèo cũng tương tự với các nhu cầu về khám chữa bệnh, hỗ trợ vật chất trong quá trình điều trị. Từ đó Hội xây dựng nên các chương trình hoạt động, đặt ra các chỉ tiêu phù hợp, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu. Nhờ đó mà hoạt động của tỉnh Hội Vĩnh Long luôn đạt kết quả tốt, đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Công tác vận động Quỹ cũng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, khi nắm chắc thông tin về đối tượng, chúng ta đi vận động trong tư thế chủ động. Nhà tài trợ quan tâm đến lĩnh vực bảo trợ nào, mình cũng có ngay đối tượng cho họ, khi họ chưa biết tài trợ như thế nào thì mình có thể tư vấn cho họ. Hội làm cầu nối cho nhà tài trợ đến đối tượng bằng thông tin, có hình ảnh xác thực, nên tạo dựng lòng tin cho đối tác để họ yên tâm hỗ trợ.

Việc nắm rõ đối tượng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhiều hình thức vận động nguồn lực khác như phong trào nuôi lợn đất đi kèm với địa chỉ từ thiện tại các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, thùng từ thiện được đặt ở nơi công cộng như bến tàu, bến xe, nhà ăn, chợ, ngân hàng… Mỗi người chỉ bỏ vào vài nghìn đồng mỗi ngày, cuối năm đập lợn đã có từ vài trăm nghìn trở lên, nhiều người thì đã có tiền triệu, cứ thế tích tiểu thành đại mà nguồn lực chúng tôi nhận được đã tăng lên cả về vật chất và tinh thần.

 Phóng viên: Theo ông, trong quá trình điều tra, quản lý đối tượng; yếu tố nào là quan trọng nhất?

 Ông Bùi Văn Lượm: Quan trọng nhất là phải có mạng lưới tổ chức Hội rộng khắp, hoạt động đều tay và hiệu quả. Tại Vĩnh Long, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo được thành lập từ năm 2002 và tổ chức đã phát triển đến tất cả các huyện và một số xã trong toàn tỉnh. Đến tháng 3/2011, tỉnh tổ chức Đại hội sát nhập với Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long. Đến nay, tổ chức mới được hoàn thiện ở tất cả các huyện, thành phố và 83/107 xã, phường.

Sau khi hoàn thành công tác sát nhập rồi, việc đầu tiên của Hội là công tác tổ chức, trong đó quan trọng hàng đầu là điều tra nắm chắc đối tượng tỉ mỉ, không bỏ sót đối tượng, từ các thôn ấp đến cấp xã và cấp tỉnh. Tổ chức mạnh (với những người nhiệt tình, hết lòng vì sự nghiệp từ thiện, có uy tín trong xã hội, có điều kiện hoạt động) và đều khắp các nơi, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội sẽ đóng góp rất lớn cho hoạt động Hội. Chính những tổ chức Hội cơ sở là sức mạnh cơ bản, sức sống bền vững của Hội.  Bên cạnh đó, việc xây dựng Ban chấp hành thường trực Hội cũng phải chọn cơ cấu cho phù hợp với nhiệm vụ huy động của Hội và là những người nhiệt tâm, nhiệt tình với công tác Hội. Các ủy viên thì lưu ý cấu tạo chức sắc tôn giáo, các mạnh thường quân, các nhà kinh doanh....

 Phóng viên: Từ  những thông tin về người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo đã điều tra được, tỉnh Hội Vĩnh Long đã sử dụng để phát triển phong trào toàn dân làm từ thiện trong tỉnh như thế nào thưa ông?

 Ông Bùi Văn Lượm: Quan điểm của tỉnh Hội “nhiều người làm từ thiện sẽ hơn một người làm từ thiện”. Từ những thông tin cụ thể, chi tiết về nhu cầu, dạng tật của từng đối tượng, tỉnh Hội Vĩnh Long xây dựng phong trào “mọi người, mọi nhà đều làm từ thiện”, phát động trên khắp địa bàn tỉnh.  Mục tiêu của chúng tôi là để “Không có nơi nào có người muốn làm từ thiện mà không biết làm với ai và đóng góp thế nào, ở đâu? Không có nơi nào có người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo cần hỗ trợ mà tổ chức Hội không biết đến vì nơi đó không có tổ chức của Hội”. Theo đó, mỗi Hội viên của Hội đều trở thành một tuyên truyền viên tích cực ở mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức đa dạng các hình thức từ thiện như tổ phục vụ nấu cơm, cháo, nước cho người bệnh, người nuôi bệnh nhân nghèo, khuyết tật, mồ côi, tổ làm từ thiện ở các địa phương, các giới, các tôn giáo khác nhau kể cả Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, Tin lành… tổ chức văn nghệ, xây dựng phong trào mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ tình thương để trợ giúp định kỳ cho đối tượng và hỗ trợ khi cần thiết. Nhờ đó đã huy động được nguồn lực từ mọi tổ chức, cá nhân, lực lượng xã hội trong và ngoài nước, không chỉ tăng cường được nguồn ủng hộ quỹ Hội mà số đối tượng được trợ giúp đúng nhu cầu cũng tăng lên không ngừng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll