Thành phố Hồ Chí Minh: Kiện toàn mạng lưới đội ngũ nhân viên công tác xã hội

08/11/2013 10:14

Thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32), thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng lộ trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến trên địa bàn.

Thành phố Hồ Chí Minh: Kiện toàn mạng lưới đội ngũ nhân viên công tác xã hội
Cụ thể, thành phố đã tổ chức triển khai Kế hoạch Đề án đến các Sở, ngành, quận, huyện; các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và các Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, cơ sở giáo dục lao động xã hội. Trên cơ sở đó, hầu hết các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công đều tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về nghề công tác xã hội, tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố lồng ghép triển khai mục tiêu, nội dung Đề án 32 đến hội viên ở các chi hội, tổ hội thông qua sinh hoạt chi hội, tổ hội; bản tin và đài phát thanh của phường-xã, thị trấn.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, quán triệt trong các trường học về Đề án, tổ chức hội thảo công tác tư vấn trường học năm 2012 cho 400 người là lãnh đạo ngành, giáo viên tư vấn các trường từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học phổ thông nhằm khẳng định vai trò công tác tư vấn trường học trong việc hỗ trợ học sinh giải quyết các khó khăn trong đời sống tâm lý và học tập. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo Xây dựng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn cho 90 người tham gia, qua đó, xây dựng mô hình, quy chế hoạt động kết nối cung cấp dịch vụ công tác xã hội giữa các cơ sở trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy dần hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Sở Y tế phối hợp với mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe tại các đơn vị tuyên truyền sâu rộng các văn bản về nghề công tác xã hội, nhằm giúp cho lãnh đạo các đơn vị và cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghề công tác xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội như: ung bướu, tim mạch, nhi khoa, chấn thương sọ não, HIV/AIDS, tâm thần; hướng dẫn bệnh nhân biết cách sử dụng dịch vụ công tác xã hội; kiện toàn và củng cố tổ, nhóm công tác xã hội tại Viện Tim, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân Ái, Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Nhân dân 115…

 

Thành Đoàn chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên thành phố xây dựng kế hoạch phát triển trung tâm trong giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai các nội dung hoạt động công tác xã hội cho 30 đội Công tác xã hội với gần 1.000 đội viên tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn, tổ chức tập huấn về chuyên môn công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các quận, huyện đoàn, nhân viên tại các cơ sở xã hội trong và ngoài công lập, các đội nhóm công tác xã hội. Thành phố đã thành lập Văn phòng Kết nối tình nguyện (Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên thuộc Thành Đoàn), đưa địa chỉ Website cung cấp thông tin về Công tác xã hội vào hoạt động, với số thành viên truy cập là 370.226 lượt và số bài viết đăng tải là 250 bài.
Trong công tác đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cấp mã ngành công tác xã hội trình độ trung cấp chuyên nghiệp cho Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn. Sở Nội vụ và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động Xã hội (cơ sở II) mở 06 lớp nghiệp vụ công tác xã hội và cấp giấy chứng nhận cho 559 người tham gia; cử 39 cán bộ, công chức, viên chức của xã, phường, tổ chức chính trị - xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập, cơ sở giáo dục lao động xã hội tham gia đào tạo trình độ trung cấp nghề công tác xã hội tại Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo quận 3.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phối hợp với Phân hiệu Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương tổ chức đào tạo 200 cán bộ công tác xã hội đang làm việc tại các cơ sở Hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thành phố đã cử 45 cán bộ, nhân viên chuyên trách tham dự hội thảo, tập huấn công tác xã hội đối với người sử dụng ma túy, quản lý trường hợp, quản lý chăm sóc trẻ đặc biệt; 12 người tham dự lớp quản lý công tác xã hội cao cấp; chọn 4 trường trung cấp nghề tham gia đào tạo nghề công tác xã hội; phối hợp Ủy ban phòng, chống AIDS thành phố tổ chức các lớp công tác xã hội cho 150 lượt cộng tác viên.
Trong giai đoạn 2015, thành phố đặt ra mục tiêu sẽ đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 50% cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội. Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 người thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội. Xây dựng thí điểm một mô hình điểm trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH cấp thành phối với chức năng cung cấp dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực cho nhiều nhóm đối tượng.
Theo thống kê, thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 400.000 người cao tuổi, 44.000 người khuyết tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 130.000 hộ gia đình nghèo (tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm), gần 10.000 người nghiện ma tuý, hơn 2.000 người bán dâm và 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước.
Để trợ giúp các đối tượng này, trong những năm qua, thành phố đã kiện toàn và xây dựng được một mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội và đội ngũ nhân viên công tác xã hội, với trên 90 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 30 cơ sở công lập và 5.000 nhân viên công tác xã hội (bao gồm trên 2.000 người làm việc trong các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện...; trên 1.000 người là cán bộ nhân viên thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện và là cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường, xã, thị trấn; khoảng 1.000 người thuộc các Sở, ngành; trên 500 người thuộc các Hội, các đoàn thể... ).
Minh Anh

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll