Khai giảng lớp đào tạo cán bộ quản lý trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần

18/09/2013 16:09

Sáng ngày 18/9 tại Hà Nội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Trường Đại học Lao động Xã hội tổ chức khai giảng lớp đào tạo cán bộ quản lý trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần nhằm triển khai thực hiện Đề án Trợ giúp Xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rỗi nhiễu tâm trí giai đoạn 2011- 2020 (Đề án 1215). Tham dự lớp học có 34 học viên là lãnh đạo các Sở Lao động- TBXH, trưởng phòng bảo trợ xã hội và lãnh đạo các trung tâm chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần, trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Khai giảng lớp đào tạo cán bộ quản lý trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần

Theo TS. Bùi Tôn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội, lĩnh vực công tác xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe cho đối tượng tâm thần nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Đề án 1215 được ban hành với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đồng thời giúp phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần là hết sức quan trọng. Do vậy, để khóa học thành công, trong quá trình học, các học viên cần tích cực trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc, khó khăn thực tế ở địa phương, cơ sở.

 

Theo ông Tô Đức, Trưởng Phòng Công tác Xã hội (Cục Bảo trợ Xã hội), hàng năm, ngân sách trung ương sẽ bố trí cho các địa phương triến khai công tác đào tạo dài hạn và tập huấn ngắn hạn theo các chuyên đề ưu tiên trong Đề án, tiến tới sẽ tập huấn cho cả những gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Trên cơ sở danh sách do các Sở Lao động- TBXH đề xuất và căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cán bộ quản lý, khả năng bố trí kinh phí, Cục Bảo trợ Xã hội đã lựa chọn những học viên đủ điều kiện tham dự khóa học. Đây là khóa học đầu tiên được tổ chức về chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần năm 2013. Tiếp theo, dự kiến trong tháng 9, Cục sẽ tiếp tục tổ chức khai giảng 2 lớp tại miền Trung và miền Nam cho đội ngũ cán bộ quản lý về trợ giúp xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tại lớp học, các học viên sẽ được nghe giới thiệu các chuyên đề: Đại cương chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý học làm người, quá trình phục hồi chức năng cho người tâm thần, quản lý ca, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần... Thời gian khóa học sẽ kéo dài 33 ngày, chia làm 3 đợt.
Theo thống kê, cả nước hiện có trên 200.000 đối tượng tâm thần nặng, trong đó, số người có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng như đập phá tài sản, đánh người, tự đánh bản thân, đi lại lang thang, không mặc quần áo hoặc ăn thực phẩm sống, ôi thiu..., bị nhốt, xích tại gia đình là 154.000 người. Dự báo đến năm 2020, do sự thay đổi về lối sống và sự phát triển kinh tế, thiên tai, ô nhiễm môi trường cùng với sự hạn chế của dịch vụ CTXH, số người bị rối nhiễu tâm trí, người bị tâm thần ở nước ta sẽ có xu hướng gia tăng. Ước tính, số người rối nhiễu tâm trí chiếm khoảng 10% dân số (tương đương 10 triệu người), trong đó số người mắc bệnh tâm thần thuộc diện bảo trợ xã hội chiếm khoảng 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 250.000 người).
Được biết, trong những năm qua, để chăm lo đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người mắc bệnh tâm thần, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Hiện, cả nước có khoảng 10 nghìn người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 26 cơ sở bảo trợ xã hội ở 20 tỉnh, thành phố; gần 200 nghìn người tâm thần nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Cùng với đó đã đã xây dựng được một số mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng tại Trung tâm bảo xã hội các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, xây dựng bước đầu mô hình tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế dự phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại phòng khám Tu Na (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh./.
Hồng Phượng

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll