Hội thảo “Sống với khuyết tật và cái giá của sự kỳ thị”

20/08/2013 03:33

Ngày 20/8/2013, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (IPORVN) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) tổ chức hội thảo “Sống với khuyết tật và cái giá của sự kỳ thị”.

Hội thảo “Sống với khuyết tật và cái giá của sự kỳ thị”


Tham dự và chủ trì hội thảo có TS. Phạm Chiến Khu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Dư luận Xã hội, TS. Lê Bạch Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội. Ngoài ra có đại diện của các Bộ, Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, đại diện một số Sở Lao động TBXH tại các tỉnh thực hiện nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, hội Người khuyết tật, các cơ quan truyền thông, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật và phát triển ở Việt Nam.

Khuyết tật là một thách thức lớn về mặt xã hội ở kinh tế Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu hiện có cho thấy người khuyết tật thuộc một trong những nhóm gặp nhiều khó khăn nhất ở Việt Nam. Phần lớn khó khăn của người khuyết tật bắt nguồn từ sự kỳ thị và sự phân biệt đối xử của xã hội. Để có thể hiểu rõ những hệ quả tiêu cực của khuyết tật và kỳ thị liên quan đến khuyết tật, đồng thời đề xuất những giải pháp về chính sách và chương trình đối với người khuyết tật, trong 2 năm 2011 và 2012, Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện một cuộc điều tra chọn mẫu có quy mô lớn tại 8 tỉnh, thành là Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc điều tra được thiết kế để ước lượng chi phí kinh tế do khuyết tật và kỳ thị liên quan đến khuyết tật gây ra cho hộ gia đình có người khuyết tật. Cuộc điều tra đã thu thập thông tin từ phỏng vấn 4.224 cá nhân, trong đó có hơn một nửa là người khuyết tật. Viện Y tế Quốc tế Nossal hỗ trợ về mặt kỹ thuật và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Úc (AusAID) tài trợ kinh phí cho cuộc điều tra này.

Qua các dữ liệu của cuộc điều tra cung cấp cho thấy những khó khăn mà người khuyết tật đang phải đối mặt. So với người không khuyết tật, người khuyết tật nhìn chung có sức khỏe kém hơn, có tới 42% người khuyết tật đánh giá thấp tình trạng sức khỏe của bản thân. Kỳ thị liên quan đến khuyết tật là rất phổ biến và có những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến cuộc sống của người khuyết tật, tỷ lệ người khuyết tật bị kỳ thị cao nhất trong nhóm là khuyết tật trong giao tiếp (95,5%), khuyết tật ghi nhớ (81,4%), và khuyết tật trong việc tự chăm sóc bản thân (80,1%). Kết quả điều tra cũng cho thấy chi phí liên quan đến khuyết tật là rất đáng kể, bằng từ 8,8% tới 9,5% thu nhập hàng năm của hộ gia đình có người khuyết tật.

Các kết quả nghiên cứu từ cuộc điều tra có ý nghĩa quan trọng về mặt chính sách và chương trình. Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tương tác giữa khuyết tật, kỳ thị và nghèo đói và khẳng định việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật sẽ hạn chế được các chi phí liên quan đến khuyết tật; thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật, giảm thiểu các tác động tiêu cực của khuyết tật. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy công cuộc xóa nghèo cho người khuyết tật sẽ không thể thành công nếu kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật không chấm dứt và quyền của người khuyết tật không được đảm bảo.

Hội thảo là một dịp tốt để các Bộ, ban, ngành và tổ chức có liên quan thảo luận về các giải pháp khả thi trong việc hỗ trợ người khuyết tật, nâng cao vị thế - xã hội và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật.

Nguồn: Bộ lao động - thương binh và xã hội
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll