Quảng Trị: Ở đâu cần học nghề, mở lớp ở đó

17/10/2014 02:09

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn các huyện miền núi. Nhờ đó, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa đã có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Quảng Trị: Ở đâu cần học nghề, mở lớp ở đó

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã A Bung giờ đây đã nhân rộng trong nhiều hộ gia đình thông qua mô hình học tập "người biết dạy cho người chưa biết". Chị Hồ Thị Phít, ở bản Cựp, A Bung cho biết: Nghề này tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ miền núi, nhất là giải quyết công việc trong thời gian nhàn rỗi, mang lại nguồn thu nhập. Chị em phụ nữ quây quần bên nhau cùng dệt, cùng đan nhờ vậy mà tình thân tương ái giữa bà con trong bản được thắt chặt.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.500 lượt người DTTS được tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm, chủ yếu là đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng. Việc dạy nghề luôn gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Ðó là cơ sở để nhiều người sau khi học nghề đã tự tạo việc làm, lập cơ sở sản xuất, mở rộng trang trại. Các ngành nghề đào tạo đa dạng, ngoài một số nghề nông nghiệp như trồng rừng, trồng sắn, chăn nuôi, đồng bào DTTS còn được tham gia các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như sản xuất chổi đót, dệt thổ cẩm truyền thống, kỹ thuật xây dựng... Bên cạnh đó, thực hiện chính sách ưu tiên cho vay vốn đối với các nhóm lao động là người tàn tật, đồng bào DTTS, trong giai đoạn từ năm 2010-2014 có hơn 300 lao động người DTTS được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn được vay gần năm tỷ đồng.
Ở xã A Bung, huyện Ða Krông, nhiều mô hình dạy nghề dệt thổ cẩm hình thành đã giúp chị em phụ nữ miền núi có việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Chỉ riêng chị Trần Thị Ngà, ở bản Ku Tai, xã A Bung trong mấy năm qua đã mở hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho hàng trăm chị em phụ nữ là người DTTS ở các thôn, bản, tạo việc làm ổn định. Ðến nay, các sản phẩm truyền thống ở xã A Bung tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận...
Ðể giúp đồng bào người DTTS trên địa bàn có điều kiện trồng và chăm sóc cây cao-su, Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện Hướng Hóa đã mở lớp học trồng, chăm sóc và khai thác cây cao-su tại các xã vùng Lìa như: Thuận, Thanh, Xi, A Xing và A Dơi... Trong thời gian hai tháng, hơn 100 học viên được tiếp cận một số nội dung cơ bản kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ, bảo vệ cây cao-su. Nhờ được dạy nghề, trang bị kiến thức và hỗ trợ cây giống cho nên nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS đã đưa cây cao-su vào trồng trên vùng đất mới. Ðến nay, hơn 60 ha cây cao-su tiểu điền trồng mới tại các xã vùng Lìa phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, bắt đầu cho khai thác mủ...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðán cho biết: Bà con khi có được nghề trong tay, áp dụng kết quả học tập ngay trên nương rẫy của mình và tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương để cho ra hiệu quả sản phẩm. Hội Nông dân và các cấp hội ở địa phương cũng chú trọng thành lập các câu lạc bộ (CLB) nghề nghiệp cùng giúp nhau như: CLB khuyến nông, khuyến lâm giúp người dân phát triển sản xuất; CLB chăn nuôi giúp bà con chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; CLB trồng sắn có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm giúp nhau tăng năng suất cây sắn trên đơn vị diện tích...
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về hiệu quả công tác dạy nghề và tạo việc làm cho đồng bào DTTS trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Ða Krông Ly Kiều Vân cho rằng: "Ðồng bào Pa Cô, Vân Kiều trước đây chỉ biết lên nương rẫy, đi rừng, thì nay đã được học hành, đào tạo nghề để lập nghiệp, có công ăn việc làm ổn định. Nhờ vậy, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân và bộ mặt nông thôn miền núi có bước phát triển vượt bậc, xóa bỏ dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi...".
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu trong công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho đồng bào DTTS thì hiện nay việc dạy nghề cho lao động ở nông thôn miền núi Quảng Trị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thu nhập và mức sống của người dân ở một số địa phương vẫn còn thấp. Ðể đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn miền núi theo chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, thời gian tới, các ngành liên quan và địa phương ở Quảng Trị thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lao động, từ dạy nghề đến xây dựng kế hoạch về bố trí việc làm cho người lao động để tránh lãng phí nguồn kinh phí đào tạo... Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và Trung tâm dạy nghề các địa phương tiếp cận và phổ biến công tác đào tạo nghề ở hầu hết các thôn, bản giúp người dân trong việc lựa chọn ngành nghề thích hợp, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình một cách bền vững.

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll