Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH

16/01/2014 09:39

Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 đã mở ra một bước ngoặt quan trọng cho sự hình thành và phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại nước ta. Tuy nhiên, do mới được công nhận là một nghề, nên CTXH ở nước ta còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Để tăng cường tính chuyên nghiệp trong CTXH ở nước ta đòi hỏi phải có sự chung sức của toàn xã hội, trong đó các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH
Nhu cầu và tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta
Trước hết cần phải khẳng định rằng nhu cầu đối với CTXH ở nước ta là khá lớn. Cùng với sự phát triển về kinh tế, những năm gần đây khoảng cách giàu nghèo và các vấn đề xã hội ở nước ta có chiều hướng gia tăng và trở nên phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm… Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, CTXH ở nước ta cần phải đảm bảo được tính chuyên nghiệp rất cao. Trong khi CTXH mới được công nhận là một nghề và mới được ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội, nên còn rất thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này được thể hiện trên tất cả các mặt: nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, chiến lược phát triển và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng về CTXH. Do đó, để tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta cần phải thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi về mặt nhận thức, hoàn thiện thể chế, xây dựng mạng lưới tổ chức hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH, và đặc biệt phải đào tạo được đội ngũ những người trực tiếp làm CTXH một cách chuyên nghiệp. Để thực hiện được các nhiệm vụ này, vai trò của các tổ chức XHDS ở nước ta là rất quan trọng.
Phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta
Các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) ở nước ta bao gồm rất nhiều các loại tổ chức khác nhau như: Các tổ tổ chức quần chúng, hay còn gọi là các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân,…); Các tổ chức xã hội nghề nghiệp (các Hội và Liên hiệp Hội thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật, các Hội nghề nghiệp…); Các tổ chức phi chính phủ NGO (Non - Govermantal - Organization), đây là thuật ngữ do (WB) Ngân hàng thế giới đưa ra, được Liên hợp quốc và nhiều nước sử dụng. Các tổ chức xã hội dân sự có đặc trưng chung là tổ chức tự nguyện do dân lập ra và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập (nhưng không nằm trong hệ thống tổ chức của Nhà nước), hoạt động thường xuyên theo điều lệ của tổ chức, mang tính tự nguyện và không vì mục tiêu lợi nhuận. Các tổ chức XHDS hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như: xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo vệ hội viên, tham gia xã hội hoá các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các hoạt động từ thiện nhân đạo, tư vấn, phản biện và giám định xã hội,... Do đó, các tổ chức XHDS có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là đối với CTXH (các hoạt động trợ giúp đối với những người yếu thế trong xã hội). Để phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta, cần phải thực hiện tốt một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề CTXH và các dịch vụ CTXH. Để CTXH trở thành một nghề mang tính chuyên nghiệp thì cần phải phát huy được vai trò của toàn thể xã hội đối với công tác này. Muốn làm được điều đó thì trước hết mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội phải có nhận thức đúng về CTXH. Thực tế hiện nay ở nước ta còn không ít người có sự nhầm lẫn hoặc đồng nhất giữa hoạt động từ thiện với CTXH. Mặc dù cả hai hoạt động này đều là động tác giúp đỡ người khác, nhưng khác xa về mặt phương pháp, hiệu quả và có khi ngay cả động cơ. Hoạt động từ thiện thường chỉ đơn thuần là việc tặng, cho những người cần giúp đỡ một khoản vật chất nhất định xuất phát từ lòng tốt của những người làm từ thiện. Như vậy, hoạt động từ thiện chỉ đem lại “hiệu quả nhất thời” (như nhiều người ví là cho người ta con cá), và đó không phải là một nghề. Còn CTXH hướng đến mục tiêu xa hơn là để đảm bảo cho những người cần giải quyết những vấn đề của xã hội, bệnh xã hội một cách hiệu quả và bền vững hơn với cách thức tiến hành một cách chuyên nghiệp. Chẳng hạn, thấy một trẻ em lang thang, cơ nhỡ bạn cho nó 20000 đồng để nó có được bữa cơm no bụng rồi thôi. Nó tiếp tục đi ăn xin, sẽ phát triển tính ỷ lại, lười lao động và bộ mặt xã hội tiếp tục xấu, ngược lại nếu bạn đưa cho nó tới một trung tâm xã hội, nơi đó nó được học chữ, học nghề, trở nên người tốt và có ích cho xã hội. Cho tiền thì dễ, còn giúp cho một người yếu trở thành tự lực đòi hỏi nhiều kiến thức khoa học, nhiều công phu và thời gian. Trường hợp trên đòi hỏi sự can thiệp của một nhà chuyên môn gọi là nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo về Công tác xã hôi (CTXH) hẳn hoi. Vì vậy, các tổ chức XHDS cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục các hội viên và toàn thể xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, cũng như ý nghĩa chiến lược của việc phát triển CTXH và nghề CTXH đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, đó là vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH.
Thứ hai, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc huy động nguồn vốn phục vụ CTXH. Không có nguồn vốn (tài chính) một cách dồi dào và ổn định thì CTXH không thể trở nên chuyên nghiệp và bền vững được. Hiện nay nguồn vốn chủ yếu phục vụ cho CTXH ở nước ta vẫn chủ yếu chông chờ vào sự cấp phát từ NSNN. Trong khi đó NSNN có hạn, nên phần đầu tư cho CTXH còn nhiều hạn chế. Thậm chí ở nhiều địa phương còn chưa chủ động dành một phần ngân sách cho CTXH mà hoàn toàn chông chờ vào ngân sách phân bổ của Trung ương. Do đó, nguồn vốn dành cho CTXH ở nước ta hiện nay là khá hạn hẹp. Trong khi đó, ở đa số các quốc gia trên thế giới có nghề CTXH phát triển, nguồn vốn cho hoạt động CTXH chủ yếu được huy động từ xã hội thông qua các tổ chức XHDS. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò của các tổ chức XHDS ở nước ta trong việc vận động, huy động các nguồn đóng góp của xã hội cho CTXH thông qua các kênh khác nhau. Trong đó, các tổ chức XHDS có thể vận động các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các loại quỹ ở trong và ngoài nước đóng góp nguồn tài chính cho CTXH thông qua việc tổ chức các chương trình từ thiện, các sự kiện và qua các phương tiện thông tin đại chúng,... Trong thời gian qua, các tổ chức XHDS đã phối hợp với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, cơ quan truyền thông tổ chức được khá nhiều chương trình gây quỹ từ thiện và phục vụ CTXH như: chương trình “xây dựng nhà Đại đoàn kết” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp phát động và chỉ đạo thực hiện; chương trình “Chắp cánh ước mơ bé thơ” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (Văn phòng phía Nam) phối hợp với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Mỹ; và nhiều các chương trình khác như chương trình “Trái tim cho em”, “Ước mơ Việt Nam”, “Nối vòng tay lớn”, “Đèn đom đóm”, “Dấu ấn tình người”, “Công dân toàn cầu” v.v... Tuy nhiên, việc tổ chức các chương trình này vẫn chủ yếu mang tính thời vụ và thiếu tính chuyên nghiệp nên số tiền thu được cho CTXH chưa lớn. Vì vậy, các tổ chức XHDS cần phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tăng cường hơn nữa cả về mặt số lượng và chất lượng của các chương trình nhằm huy động được các nguồn lực của xã hội ở cả và ngoài nước cho CTXH.
Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm CTXH. Công tác xã hội sẽ không thể được thực hiện một cách chuyên nghiệp nếu không có một đội ngũ những người làm CTXH được đào tạo một cách bài bản, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng nghề nghiệp thành thạo. Tuy nhiên, theo Đề án 32, hiện cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, trong đó phần lớn (81,5%) chưa qua đào tạo. Đồng thời, Đề án 32 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 60.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên nghề CTXH, trong đó có 35.000 người thông qua đào tạo chính thức và đào tạo lại, 25.000 người được đào tạo qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Trong khi đó số lượng và chất lượng đào tạo ngành CTXH đáp ứng nhu cầu xã hội đang là thách thức lớn. Cả nước hiện có chưa tới 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành này, mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu trên, vai trò và trách nhiệm chính thuộc về các cơ sở đào tạo, nhưng bên cạnh đó các tổ chức XHDS cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, cần phải phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tuyên truyền nâng cao nhân thức của người dân và xã hội (đặc biệt là đối với những người trực tiếp hoạt động về CTXH) về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với CTXH. Đồng thời, một số tổ chức XHDS trực tiếp tham gia cung ứng dịch vụ CTXH, cần phải tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo về CTXH trong việc đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho viên chức, nhân viên làm CTXH. Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xã hội bằng lòng tốt và kinh nghiệm vốn có, mà cần phải sử dụng phương pháp tiếp cận khoa học và các công cụ nghiệp vụ của công tác xã hội. Đó là cách để giải quyết cơ bản, bền vững và hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về CTXH. Sự công nhận của luật pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp về lĩnh vực CTXH. Trong thời gian qua hệ thống các văn bản pháp luật về CTXH đã từng bước được hoàn thiện. Sau khi Đề án về phát triển nghề CTXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Bộ Giáo dục đã ban hành mã ngạch đào tạo nghề CTXH, và Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức công tác xã hội, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, hệ thống cách chính sách, pháp luật về CTXH vẫn cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật về vị trí làm việc của cán bộ xã hội, tiêu chuẩn nghiệp vụ nghề nghiệp, hệ thống thang bảng lương, về việc thành lập và cơ chế hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH,... Vì vậy, các tổ chức XHDS (đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân) cần phải phát huy vai trò của mình trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến và phản biện chính sách nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về CTXH ở nước ta. Đồng thời, với vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, các tổ chức XHDS cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về CTXH.
Thứ năm, các tổ chức XHDS cần thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội Công tác xã hội cấp quốc gia để bảo vệ quyền và lợi ích của những người làm CTXH chuyên nghiệp; đối với Hiệp hội công tác xã hội cũng cần nghiên cứu ban hành Quy chế đạo đức đối với viên chức, nhân viên CTXH (tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp). Đồng thời, cần phải thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội các trường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội nhằm tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CTXH. Trên thế giới, Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế được thành lập từ năm 1926 với hàng chục ngàn thành viên là cán bộ xã hội được đào tạo chuyên nghiệp của 78 nước trên thế giới và Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội thế giới với sự tham gia của 80 quốc gia. Vì vậy, việc sớm thành lập được các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp này là rất quan trọng đối với sự phát triển của nghề CTXH chuyên nghiệp ở nước ta.
Thứ sáu, các tổ chức XHDS cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nghề CTXH. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp được gần thế kỷ. Trong khi đó, CTXH ở nước ta mới được xác định là một nghề nên còn rất thiếu tính chuyên nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, các tổ chức XHDS (đặc biệt là các tổ chức trực tiếp cung ứng dịch vụ CTXH) cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH, các cơ sở đào tạo của các nước về CTXH, các tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội quốc tế về CTXH nhằm trao đổi học tập kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng, và huy động thêm nguồn lực cho quá trình phát triển đi lên chuyên nghiệp ở nước ta.
Trịnh Xuân Thắng
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll