Đề xuất nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi

28/11/2015 10:26

Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Đề xuất nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi

Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

 Quốc hội làm việc tại Hội trường sáng ngày 12/11 (Ảnh: TTXVN)

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật mới thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2004, bảo đảm tương thích hơn với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

 

Nâng độ tuổi trẻ em 

Một trong những nội dung mới đáng chú ý trong dự luật là đề xuất mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi. Cụ thể, Điều 1 Dự thảo Luật quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. 

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)

Mặt khác, việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Bộ trưởng phân tích, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”, như vậy pháp luật Việt Nam không quy định tuổi thành niên sớm hơn 18 tuổi. Việc nâng tuổi trẻ em là phù hợp giữa luật này với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; không ảnh hưởng đến khái niệm “người lao động chưa thành niên” trong Bộ luật Lao động, quy định tuổi lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; không ảnh hưởng đến quy định của Bộ luật Hình sự về tuổi người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về tuổi bị xử lý vi phạm hành chính; không chồng chéo với quy định liên quan đến nhóm thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vì đã được quy định tại Điều 31 Luật Thanh niên.

Bên cạnh đó, việc không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013; vừa bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam và ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người mà không phân biệt quốc tịch đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam. 

Bộ trưởng cũng khẳng định, nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em, bảo đảm tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những thay đổi tiến bộ so với thời điểm thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, tạo điều kiện cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, đa số ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.  

Bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, một nội dung mới được bổ sung đáng chú ý khác là bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính.

Nội dung này được quy định trên cơ sở hệ thống hóa các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các yêu cầu được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm phù hợp với tính dễ bị tổn thương của trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm. Dự luật cũng quy định các biện pháp áp dụng đối với trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng; các biện pháp áp dụng đối với trẻ em vi phạm pháp luật; nhiệm vụ của người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em; phục hồi tại cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em chấp hành xong hình phạt tù, trẻ em chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với quan điểm của dự thảo Luật về việc quy định nội dung bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng vì đây là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định trùng lặp với các quy định trong pháp luật về tố tụng hiện hành như quy định trẻ em có quyền được luật sư bào chữa, được trợ giúp pháp lý, trẻ em được xét xử kín... “Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ và chỉ nên quy định trong Luật này những vấn đề mang tính nguyên tắc nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em trong quá trình tố tụng” – Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Theo chương trình kỳ họp, dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 13/11 và thảo luận ở hội trường vào ngày 23/11./.

Theo dangcongsan.vn

 

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll