Nhu cầu phát triển nghề công tác xã hội đối với người cao tuổi

19/08/2013 08:31

Theo điều tra Biến động Dân số–KHHGĐ năm 2010, người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng, chiếm 9,4% dân số (8,15 triệu người), trong đó, có 3,98 triệu người từ 60-69 tuổi; 2,79 triệu người 70-79 tuổi; 1,17 triệu người trên 80 tuổi và khoảng 9.380 người trên 100 tuổi. Hiện có 72,9% người cao tuổi sống ở nông thôn và 27,1% sống ở thành thị. 79% người cao tuổi sống với con cháu có cuộc sống vật chất, tinh thần tương đối ổn định, còn 21% sống độc thân hay chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau.

Nhu cầu phát triển nghề công tác xã hội đối với người cao tuổi

Do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, không chỉ ở thành thị mà ở cả nông thôn, mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống đang có xu hướng giảm đi. Số lượng các gia đình chỉ có hai vợ chồng già hay gia đình người cao tuổi đơn thân đang tăng lên. Theo dự báo của Tổng cục thống kê về tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi thì NCT ở nước ta sẽ đạt 10% tổng dân số vào năm 2017 và sau 20 năm (2017 – 2037), Việt Nam sẽ có dân số già (tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số). Trên thực tế, Tổng cục Dân số – KHHGĐ (Bộ Y tế) cho rằng từ năm 2011 NCT Việt Nam đã đạt trên 10% dân số, theo tính toán đó thì thời gian trở thành quốc gia có dân số già sẽ giảm xuống còn khoảng 17 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Điều này ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế, cũng như các chương trình an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu của nhóm dân số cao tuổi là những người được coi là thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia đình hạt nhân ít con cũng ngày càng gia tăng, do vậy, vấn đề chăm sóc, hỗ trợ NCT đang là nhu cầu đặt ra hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, cho đến nay các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc NCT ở nước ta còn rất yếu và thiếu, phần lớn còn mang tính trợ cấp, cứu trợ và đa số các hoạt đông chăm sóc đời sống tinh thần khác do NCT làm cho chính họ...

Nhìn ra thế giới, nhất là ở các nước phát triển, ngành CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào xây dựng chính sách và điều hành các hoạt động an sinh cho NCT thông qua hai hình thức: Chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc người già hoặc trung tâm dưỡng lão, các loại hình dịch vụ chăm sóc tương đối phong phú vì bên cạnh nhân viên CTXH còn có sự tham gia của nhiều nhân viên chuyên nghiệp khác như bác sĩ, cán bộ điều dưỡng, cán bộ dinh dưỡng, chuyên viên tham vấn tâm lý...; Cung ứng dịch vụ chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng. Gần đây xu hướng thứ hai được quan tâm nhiều hơn. Theo hình thức này, các cơ sở xã hội tiếp nhận NCT và cử nhân viên đến các gia đình để trực tiếp thực hiện các dịch vụ như vãng gia, đánh giá, xác định vấn đề, giúp xây dựng kế hoạch thiết lập mối quan hệ giữa những NCT và các thành viên gia đình, giúp họ gắn bó và tự giác tham gia các sinh hoạt cộng đồng hoặc tham vấn, điều chỉnh các mối quan hệ giữa NCT với các thành viên trong gia đình, giúp họ sống hoà thuận, biết yêu thương và kính trọng lẫn nhau. Đồng thời, nhân viên CTXH cũng sẽ cung cấp các dịch vụ tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc NCT cho các thành viên trong gia đình hoặc tư vấn, hướng dẫn các công việc phù hợp với tuổi già, tạo niềm vui, tăng thêm thu nhập...
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc NCT, điều này thể hiện rõ qua Hiến pháp (1992), các bộ luật như Luật Hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Luật Lao động, Bộ luật hình sự và nhiều chỉ thị, nghị định, thông tư… đã được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc NCT. Thực hiện các chủ trương trên đến nay, cả nước hiện có 1.429.121 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa là 97.672 người; người cao tuổi 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 1.331.449 người (tăng 200% so với thời điểm trước khi ban hành Luật Người cao tuổi). Trong 6 tháng đầu năm 2012, Bảo hiểm xã hội đã chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 2,5 triệu lượt người với số tiền 54.000 tỷ đồng. Một số mô hình điển hình đã đem lại niềm vui cho người cao tuổi được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua là: mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau; CLB hỗ trợ người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS; CLB dưỡng sinh, phụ nữ cao tuổi đơn thân; CLB bà nội, bà ngoại; CLB mẹ, vợ liệt sĩ; CLB mẹ chồng nàng dâu; CLB ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền… Đồng thời với hoạt động của các ban ngành, đoàn thể, Hội NCT Việt Nam với là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với NCT đã có rất nhiều hoạt động chăm sóc NCT như giúp NCT nâng cấp nhà tạm, tổ chức mừng thọ, chúc thọ vào dịp đầu xuân, ngày Quốc tế người cao tuổi, chăm lo tang lễ người cao tuổi từ trần, xây dựng “Câu lạc bộ ông bà cháu”, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; các câu lạc bộ nghệ thuật, thơ ca, thể dục, dưỡng sinh, tham quan…
Tuy nhiên, những hoạt động trên mới đáp ứng một phần nhu cầu của NCT. Số đông vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế, thể dục, thể thao, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta chưa đào tạo bài bản, cụ thể chuyên ngành CTXH đối với NCT mà chỉ là lồng ghép chung các kiến thức cơ bản về nghề CTXH. Hơn nữa, hệ thống chăm sóc NCT hiện nay còn nhiều bất cập, nhận thức về già hóa dân số và tác động tới phát triển kinh tế – xã hội trong nhân dân còn hạn chế; nhiều cấp lãnh đạo chưa nhận thức vấn đề; xã hội chưa thay đổi cách nhìn nhận tiêu cực đối với người già; bản thân NCT không nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân; người dân ở nông thôn chưa quan tâm chuẩn bị cho tuổi già. Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công lập không đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của NCT, trình độ của các bác sỹ còn hạn chế và thực tế là ở nước ta, NCT sống lâu nhưng chưa sống khỏe. Nhiều địa phương vẫn xem công tác NCT chỉ là những hoạt động phong trào, là công tác riêng của Hội NCT các cấp. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các hoạt động chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là ở các địa phương còn dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách Trung ương; Chế độ trợ cấp đối với người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên được 180.000 đồng/người/tháng không phù hợp với thời giá…

Trong quá trình già hóa dân số, nhiều vấn đề đặt ra đối với NCT trong điều kiện kinh tế- xã hội đặc thù ở Việt Nam, cần sớm nhận thức về sự cần thiết phát triển CTXH với người cao tuổi và tạo các điều kiện cần thiết cho sự phát triển này. Về lâu dài, để nghề này được phát triển và phổ biến rộng rãi cần đặt trong tiến trình chung phát triển CTXH và được coi như một nghề ở Việt Nam, theo các bước đi của đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Bước đi đầu tiên có thể là các hoạt động nâng cao năng lực cho những người đang làm việc với NCT, cung cấp cho họ một số kiến thức, kỹ năng cơ bản trong làm việc với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, có thể xem xét, kết hợp đào tạo cán bộ xã hội trong lĩnh vực y tế với CTXH với NCT; Chú trọng công tác quản lý ca và tham vấn; Đa dạng hóa các loại dịch vụ trợ giúp; Thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu về CTXH với NCT.

 

Đăng Doanh

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll