Tăng cường năng lực cho cán bộ CTXH góp phần giảm nghèo bền vững

17/10/2013 09:38

Trên thực tế, mặc dù kinh tế của chúng ta đang ngày càng phát triển, nhưng các vấn đề xã hội phát sinh đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả trợ giúp của các chương trình và dự án. Nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người nghèo.

Tăng cường năng lực cho cán bộ CTXH góp phần  giảm nghèo bền vững
Triết lý xuyên suốt mang lại những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo của Việt Nam đó là hỗ trợ người nghèo cần câu và phương pháp câu chứ không cho họ con cá. Tuy nhiên song hành cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì những vấn đề xã hội cũng nẩy sinh ngày càng đa dạng và phức tạp. Vậy liệu rằng triết lý này trao cần câu và phương pháp câu đã đủ cho 1 sự phát triển bền vững? Nhiều lập luận được đưa ra là liệu một hộ nghèo ngay cả khi được hỗ trợ đầy đủ về phương pháp làm ăn và vốn thì có thể thoát được nghèo bền vững không trong khi trong gia đình họ vẫn còn có những người sử dụng ma túy, vẫn có những mâu thuẫn hay xung đột giữa vợ chồng, vẫn còn tình trạng nghiện rượu và bạo lực trong gia đình? Khi bản thân người nghèo và gia đình họ vẫn còn tồn tại những vấn đề xã hội phức tạp như là áp lực kinh tế hoặc chưa có sự cân bằng về giới?

Trên thực tế, mặc dù kinh tế của chúng ta đang ngày càng phát triển, nhưng các vấn đề xã hội phát sinh đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả trợ giúp của các chương trình và dự án. Nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người nghèo. Nghiên cứu “Đánh giá nghèo đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” (2010) do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tài trợ đã chỉ ra người nghèo ở các vùng đô thị và đô thị hóa không chỉ gặp vấn đề về kinh tế mà còn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội đa chiều khác làm hạn chế những hoạt động giảm nghèo. Cụ thể, họ khó tiếp cận được các dịch vụ xã hội, ít được đảm bảo các chính sách anh sinh xã hội, thu nhập thấp và bấp bênh, tình trạng thất học cao, phân hoá giàu nghèo mạnh; tệ nạn xã hội; nghiện rượu, ô nhiễm môi trường... đã tác động tiêu cực và trở thành 1 thách thức lớn tới quá trình giảm nghèo bền vững. Bài toán đặt ra là chúng ta cần phải có những thay đổi như thế nào trước những thách thức mới của xã hội trong vấn đề giảm nghèo.

Trên thế giới, các bài học kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc giảm nghèo đa chiều dựa trên tăng cường năng lực CTXH đã đã mang lại hiệu quả cao và bền vững trong việc xử lý các vấn đề nghèo đói ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Ở cấp độ cá nhân, với hệ thống kiến thức kỹ năng chuyên sâu và phong phú trong lĩnh vực xã hội và con người, nhân viên CTXH sẽ can thiệp trực tiếp và kết nối các nguồn lực nhằm xử lý các vấn đề nghèo đa chiều. Còn ở cấp độ vĩ mô, họ tập trung xử lý các vấn đề phức tạp của nghèo đói thông qua các hoạt động tổ chức cộng đồng qua việc huy động các nguồn nội lực bên trong cũng như bên ngoài và biện hộ, vận động chính sách.

Các dịch vụ CTXH đối với vấn đề giảm nghèo được tổng hợp theo hai hình thức tiếp cận: cung cấp các dịch vụ trực tiếp hỗ trợ cá nhân, gia đình và cộng đồng; tập trung vào mảng đưa ra các chính sách, chương trình giải quyết vấn đề nghèo. Theo đó, các dịch vụ CTXH trực tiếp hướng tới mục đích hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu trực tiếp của người nghèo. Đối với cá nhân người nghèo, CTXH có các dịch vụ cung cấp thức ăn, áo ấm, tìm kiếm chỗ ở an toàn, kết nối tới chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội... Đơn cử như tại Canađa, nhiều ngân hàng thức ăn (food bank) được lập ra để cung cấp thức ăn miễn phí cho những người nghèo, người hưởng trợ cấp. Hay việc tìm kiếm chỗ ở an toàn cho người nghèo không nơi nương tựa trong các trung tâm, cơ sở xã hội. Bên cạnh đó, họ cũng được nhân viên xã hội kết nối tới các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khi bị ốm đau hoặc tham vấn khi có vấn đề về tâm lý xã hội. Quan trọng hơn nữa, nhân viên xã hội là người biện hộ, khích lệ để người nghèo được tham gia các hoạt động xã hội bình đẳng như các thành viên khác trong xã hội. Đối với gia đình nghèo, nhân viên xã hội cung cấp các dịch vụ tham vấn, kết nối họ tới các dịch vụ, chương trình tài chính, chăm sóc sức khoẻ... Ví dụ như các chương trình hướng dẫn hộ gia đình vay vốn, tạo việc làm, để từ đó gia đình có thể cải thiện tình hình kinh tế gia đình. Đối với cộng đồng, công tác xã hội đưa ra các dịch vụ phát triển cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề nghèo và khuyến khích sự tương trợ, hỗ trợ của cộng đồng với người nghèo và gia đình họ. Bên cạnh đó, CTXH đã và đang tham gia rất tích cực vào việc xây dựng các chính sách, các chương trình xã hội hỗ trợ người nghèo ở nhiều nước trên thế giới. Nhân viên xã hội là người hỗ trợ Chính phủ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người nghèo từ đó đề xuất với cơ quan cấp trên để nghiên cứu đưa ra các chính sách, chương trình xã hội hỗ trợ phù hợp cho nhóm đối tượng này..


Vai trò của Nhân viên CTXH trong việc hỗ trợ người nghèo được đánh giá rất cao. Họ hỗ trợ những người lạm dụng tiềm chất, bạo lực gia đình và những người gặp hoàn cảnh thiếu may mắn, hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề hiện tại và lập kế hoạch cho sự phát triển ổn định trong tương lai. Các chiến lược can thiệp có thể là ở cấp độ cá nhân hoặc rộng lớn hơn là can thiệp với cộng đồng và hoạch định chính sách cho người nghèo Bên cạnh đó, nhân viên CTXH sẽ đóng vai trò là người điều tra để tìm hiểu về những nguyên nhân đa chiều của nghèo cũng như tìm hiểu xem tại sao ở một số khu vực tỷ lệ người nghèo lại tập trung cao như vậy, sau đó, lên kế hoạch nhằm tạo sự thay đổi và trao cơ hội để cải thiện tình trạng nghèo. Thông thường, không có những giải pháp đơn lẻ để giải quyết vấn đề nghèo, do đó cán bộ CTXH sẽ đóng vài trò là người trung gian, huy động các nguồn lực bên trong và kết nối các nguồn lực bên ngoài nhằm hỗ trợ cho người nghèo. Ở mức độ cao hơn, nhân viên CTXH sẽ vận động hành lang để tạo cơ chế và chính sách cho người nghèo, cụ thể là tăng mức hỗ trợ người nghèo. Ngoài ra, nhân viên CTXH có thể trở thành những người tổ chức tại các cộng đồng nghèo và huy động những nguồn lực nhằm nâng cao đời sống cho người nghèo. Những biện pháp can thiệp có thể là hỗ trợ nâng cao hệ thống sức khỏe tại địa phương, cải thiện các chương trình giáo dục và giúp người nghèo các phương pháp làm ăn để tạo ra thu nhập. Một cán bộ CTXH giỏi sẽ có khả năng xây dựng và triển khai các chương trình phát triển cộng đồng với mục tiêu tăng năng lực và trao quyền cho người dân để họ có thể tự kiểm soát được các vấn đề của bản thân, đồng thời, hướng tới tăng năng lực quản lý và lãnh đạo cho người dân để họ có thể tự lực và tìm kiếm những dự án khác trong việc giải quyết các vấn đề nghèo. Điều này sẽ khuyến khích tạo nên những thái độ tích cực đối với những người nghèo. Trên cơ sở nắm bắt những vấn đề cụ thể, nhu cầu cấp thiết của đối tượng, nhân viên CTXH sẽ cùng người nghèo lập kế hoạch bằng cách hướng họ tới những chương trình hành động xã hội vì người nghèo, như các chương trình đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp nghèo…

Mục tiêu chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2012 – 2015 là cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Với nguồn kinh phí hơn 27,5 nghìn tỷ đồng cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, các cấp ngành, có thể thấy Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới việc giảm nghèo nhằm mang lại công bằng và an sinh xã hội cho mọi người. Vấn để ở đây là chúng ta cần phải có những hướng đi đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để có thể can thiệp tới các vấn đề nghèo đa chiều do những tiêu cực của xã hội mang lại. CTXH với vai trò, chức năng của mình đã và sẽ thực hiện rất tốt nhiệm vụ này. Do đó chúng ta cần phải có những chính sách mang tính chiến lược để tập trung phát triển và tăng cường năng lực CTXH cho những cán bộ làm việc trong lĩnh vực giảm nghèo.


Ths. Nguyễn Trung Hải

Trường Đại học Lao động Xã hội



;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll