Công tác xã hội vì hạnh phúc của mọi người

10/10/2013 10:28

Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có người già, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế để giúp họ có cuộc sống ổn định, có điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe, tự vươn lên trong cuộc sống. Cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng cũng tích cực tham gia trợ giúp và chăm sóc đối với các đối tượng này với rất nhiều hình thức khác nhau và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác xã hội vì hạnh phúc của mọi người
Từ cuối những năm 1890, công tác xã hội đã xuất hiện như một nghề tại nhiều nước, sự có mặt của Hiệp hội CTXH quốc tế khởi sự từ năm 1926 với hàng chục nghìn thành viên là cán bộ xã hội được đào tạo chuyên nghiệp của 78 nước trên thế giới, Hiệp hội các Trường đào tạo CTXH thế giới với sự tham gia của 80 quốc gia là minh chứng cho lịch sử lâu đời của loại hình nghề nghiệp này. Tại nhiều nước, các dịch vụ CTXH có sự tham gia của đông đảo đội ngũ nhân viên CTXH trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ. Chất lượng của các chính sách, chương trình hay dịch vụ an sinh xã hội được phản ánh bởi tính phòng ngừa cao đối với những vấn đề xã hội. Tính chuyên nghiệp của CTXH được thể hiện rất rõ nét trong huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của cả quốc gia. Do vậy, CTXH không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách Nhà nước trong giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước không chỉ đề cập tới sự liên kết toàn cầu của lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà của cả hoạt động xã hội. Tại các hội nghị quốc tế về CTXH, tháng 8/2006 tại Đức và tháng 7/2012 tại Thụy Điển, vấn đề toàn cầu hóa trong các hoạt động CTXH trên thế giới là một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.
Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có người già, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế để giúp họ có cuộc sống ổn định, có điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe, tự vươn lên trong cuộc sống. Cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng cũng tích cực tham gia trợ giúp và chăm sóc đối với các đối tượng này với rất nhiều hình thức khác nhau và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội này sinh ngày càng phức tạp, đặt ra cho chúng ta những vấn đề xã hội lớn cần phải tập trung giải quyết trong quá trình CNH- HĐH và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện này, quyết định đầu tư cho nghề CTXH sẽ đóng góp phát triển lâu dài đời sống kinh tế và xã hội của người dân Việt Nam.
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển Nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 32). Thực hiện quyết định này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương hướng dẫn địa phương triển khai Đề án 32 tập trung vào 5 nhóm công việc chính: Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nghề CTXH; Củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH; Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH; tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nghề CTXH; Vận động tài trợ từ các tổ chức quốc tế.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông đã cùng một số đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011 – 2015; Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư quy định chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH, thông tư quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện phát triển nghề CTXH.
Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng một số trường đại học có đào tạo nghề CTXH trình độ trung cấp và cao đẳng nghề CTXH; điều tra cán bộ, nhân viên CTXH để hỗ trợ địa phương thực hiện đào tạo cán bộ, nhân viên CTXH. Riêng năm 2011, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí các tỉnh/thành phố đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nhân viên CTXH, trong đó, tổ chức được 142 lớp tập huấn cho hơn 17.000 người; tổ chức 13 lớp đào tạo hệ vừa làm, vừa học trình độ trung cấp cho hơn 1.300 người và 10 lớp trình độ đại học cho hơn 800 người; hơn 20 tỉnh/thành phố được hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông phát triển nghề CTXH; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, phát hành các phóng sự, clip, ấn phẩm truyền thông phát triển nghề này.
Nhằm tăng cường, vận động các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam phát triển nghề CTXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp có hiệu quả với các tổ chức như Atlantic Philanthropies, UNICEF, FHI, CFSI, Học viện xã hội châu Á… trong xây dựng các mô hình Trung tâm CTXH, đào tạo giảng viên nguồn CTXH.
Thời gian tới, để phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào các nhiệm vụ:
Thứ nhất, xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, toàn diện để phát triển nghề CTXH; tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH: áp dụng ngacgh, bậc lương và chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với các ngạch viên chức CTXH/
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH, trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác biên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung.
Thứ ba, tổ chức lại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục lao động – xã hội theo hướng trở thành các trung tâm CTXH, hỗ trợ đối tượng sinh sống tại gia đình, cộng đồng.
Thứ tư, phối hợp với các trường cao đẳng, đại học đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và công tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp.
Thứ năm, xây dựng hoặc hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo và dạy nghề CTXH; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành CTXH.
Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động CTXH theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia việc phát triển dịch vụ CTXH; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về nghề CTXH./.

Phạm Thị Hải Chuyền
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll