Đồng Tháp từng bước xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội

18/03/2013 09:36

Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng trên 40% dân số thuộc đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp của cán bộ nhân viên công tác xã hội, trong đó có 65.113 hộ nghèo, 33.123 hộ cận nghèo; gần 40 ngàn người cao tuổi, 3.456 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 3.795 người khuyết tật, 1.683 người tâm thần nặng, có trên 500 người nghiện ma túy trong đó có trên 250 đối tượng được quản lý giáo dục tại Trung tâm 05-06.

Đồng Tháp từng bước xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội

Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, để thực hiện đầy đủ các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng xã hội, tỉnh Đồng Tháp đặc biệt rất quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, người già cô đơn, người nhiễm HIV, hộ nghèo và phòng chống tệ nạn xã hội. Phát triển nghề CTXH được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, từng bước làm chuyển biến các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện tốt việc an sinh xã hội. Nhằm đảm bảo thực hiện tốt Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, với các mục tiêu, cụ thể: Nâng cao nhận thức của xã hội về nghề CTXH; Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH đến năm 2015 tăng 10%, đến năm 2020 tăng 50%, trong đó xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội; Xây dựng mô hình điểm trung tâm tư vấn và cung cấp dịch vụ CTXH của tỉnh. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các cơ sở bảo trợ xã hội và cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Đến nay, 144 xã, phường, thị trấn ở Đồng Tháp đều có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách trực tiếp làm làm công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội. Qua điều tra, rà soát, toàn tỉnh có 1.250 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu đào tạo ngắn hạn, dài hạn về nghề CTXH, địa phương đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội tổ chức đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ cho hơn 400 người. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập 04 cơ sở có liên quan đến CTXH bao gồm: Trung tâm Bảo trợ xã hội, đang nuôi dưỡng trên 60 người già cô đơn, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người tâm thần vô gia cư); Nhà tình thương chăm sóc nuôi dưỡng gần 80 trẻ mồ côi không nơi nương tựa; Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, dạy học và phục hồi chức năng cho trên 120 trẻ khiếm thính; Trung tâm giáo dục lao động hiện đang quản lý trên 250 đối tượng cai nghiện, chữa trị nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS và người bán dâm. Toàn tỉnh hiện có gần 90 cán bộ, viên chức, nhân viên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại các cơ sở xã hội công lập. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 02 cơ sở bảo trợ xã hội dân lập đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn. Chỉ tính đến quí 2 năm 2011, Đồng Tháp đã trợ giúp cho 43.598 đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng trên 200.000 người nghèo được cấp thẻ BHYT,

Ngay từ đầu năm 2012, để tham mưu hoạch định, triển khai các chính sách xã hội, trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong cuộc sống, tạo điều kiện để các đối tượng vươn lên, Ban chỉ đạo thực hiện đề án phát triển nghề CTXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động với mục tiêu hướng chung là nâng cao nhận thức của xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Đồng Tháp đã triển khai xây dựng thí điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nhằm giao thêm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng xã hội. Trước đó, trung tâm này tập trung chủ yếu đến đối tượng trẻ em với mục tiêu góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tốt hơn. Mặc dù mới được thành lập từ đầu năm 2011 nhưng trung tâm đã tổ chức được rất nhiều hoạt động hiệu quả, như đã cấp phát tờ rơi, cẩm nang phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, cấp phát các thẻ giới thiệu về số điện thoại đường dây tư vấn, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; phối hợp với Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em tổ chức 12 cuộc truyền thông tư vấn nhóm cho 480 học sinh trong tại các trường học về chủ đề bạo lực học đường, xâm hại tình dục; truyền thông, tư vấn nhóm cho gia đình và trẻ em về Luật Bảo vệ trẻ em và các hoạt động phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em được hơn 30 cuộc, với hơn 450 lượt người lớn và trẻ em tham gia; triển khai tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng ngừa vi phạm pháp luật cho gần 240 cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ tại 4 xã, phường, thị trấn…
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng đã tổ chức rà soát lại để xác định nhu cầu và thực trạng cán bộ nhân viên đang trực tiếp làm công việc liên quan tới CTXH tại các xã, phường, thị trấn để đề xuất bố trí cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội phù hợp với thực tế, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ sở. Mỗi xã phải có ít nhất 01 cán bộ và 01 cộng tác viên công tác xã hội; tuyển dụng và bố trí cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước từ tỉnh đến các huyện, thị, thành và các xã, phường, thị trấn; các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH ưu tiên chọn những cá nhân đã qua đào tạo chuyên ngành này. Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức, nhân viên làm CTXH đủ chuẩn để chuyển xếp ngạch viên chức xã hội theo qui định, tỉnh đã tổ chức các đợt đào tạo và tập huấn nâng cao cho các đối tượng liên quan. Đồng thời, đã phối hợp với trường Đại học Lao động - Xã hội liên kết với trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tổ chức 1 lớp Trung cấp vừa học vừa làm ngành CTXH cho 70 học viên, ưu tiên cho cán bộ, viên chức, nhân viên hoạt động xã hội, cộng đồng; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng công tác xã hội cho khoảng 600 cán bộ làm công tác xã hội các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác xã hội trong tỉnh.
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng về vị trí, vai trò của nghề CTXH, từ đó, định hướng cho người dân biết cách sử dụng các dịch vụ công tác xã hội, Đồng Tháp đã xác định việc cần thiết tăng cường công tác truyền thông, thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động công tác xã hội, xây dựng sổ tay hướng dẫn hoạt động công tác xã hội cho cấp cơ sở và cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Thiết lập các kênh thông tin đa chiều về các vấn đề có liên quan, đặc biệt là chương trình, nội dung đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên CTXH.
Đăng Doanh

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll