Thúc đẩy vai trò của nhân viên công tác xã hội để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình

12/03/2013 10:16

Bạo lực gia đình được coi là một dạng tệ nạn xã hội gây hậu quả ở nhiều mức độ lên đời sống gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp nhân cách và quá trình phát triển của mỗi cá nhân, gián tiếp tạo nên mầm mống các tệ nạn và tội phạm nguy hiểm khác trong xã hội. Đối tượng của các hành vi bạo lực trong gia đình thường là những thành viên yếu đuối, dễ bị tổn thương và trong hầu hết các trường hợp là phụ nữ, người già và trẻ em.

Thúc đẩy vai trò của nhân viên công tác xã hội để giảm thiểu tình trạng  bạo lực gia đình

Theo định nghĩa của Đại hội đồng Liên hợp quốc thì bạo lực gia đình bao gồm bất kỳ một hành động bạo lực dựa trên cơ sở giới nào dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến những tổn hại về thân thể, tình dục hay tâm lý, hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra nơi công cộng hay cuộc sống riêng tư. Ở Việt Nam, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 định nghĩa “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, bạo lực gia đình bao gồm các yếu tố bạo hành về thể chất, về tinh thần và cả về kinh tế. Ngoài ra, theo phân loại các hình thức bạo lực gia đình còn bao gồm cả yếu tố bạo lực tình dục. Những hành vi bạo lực gia đình gây ra để lại nhiều tổn hại đối với cộng đồng xã hội, đối với con người, đặc biệt đối với nạn nhân bị bạo hành - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Qua phân tích của các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình, tuy nhiên, yếu tố cơ bản và sâu xa nhất là do nhận thức về vấn đề bình đẳng giới rất hạn chế. Trên thực tế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình. Ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến với những quan niệm mang đậm màu sắc định kiến giới nằm ngay trong truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, chuẩn mực đạo đức bấy lâu nay khiến một bộ phận nam giới cho rằng họ có vai trò trụ cột trong gia đình, có quyền định đoạt mọi việc, họ luôn có tư tưởng mình là “tiếng nói” trong gia đình nên có thể đánh mắng vợ là điều bình thường, hoặc do hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” dẫn đến nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái mình. Bên cạnh đó, nhận thức của chính bản thân người phụ nữ còn hạn chế, thiếu thẳng thắn, còn cam chịu, sợ ảnh hưởng tương lai của con cái, bị hàng xóm, bạn bè chê cười… Cộng đồng, xã hội coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt. Do đó, bạo lực gia đình vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về hành vi bạo lực gia đình, sự tham gia của cộng đồng cho vấn đề xã hội này còn hạn chế, chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên; lực lượng tham gia công tác này còn thiếu về số lượng, chưa được đảm bảo an toàn trước những tác nhân có hành vi bạo lực gia đình nguy hiểm.
Trong những năm qua, cùng với các chủ trương phát triển kinh tế, chính trị, an sinh xã hội cũng được chú trọng. Vấn đề phụ nữ, giới và bình đẳng giới ngày càng được quan tâm. Phụ nữ ngày càng được tín nhiệm, đề cử vào các vị trí quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, trong quan hệ gia đình, nhiều trường hợp phụ nữ vẫn là những nạn nhân chính của nạn bạo lực gia đình. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn do nạn bạo hành gia đình ngày càng tăng. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn vì nguyên nhân này. Nạn nhân của bạo lực, phần lớn là nữ giới phải gánh chịu các dấu hiệu trầm cảm, stress mạnh, nguy hại hơn là sự suy giảm thần kinh, những tổn hại về sinh lý (do bạo lực về tình dục). Trong khi đó, tổn thất cho việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình là không nhỏ, bao gồm nhiều khoản chi phí cho các dịch vụ hỗ trợ luật pháp, công an, tòa án, xã hội; cho công tác tuyên truyền, y tế, giáo dục. Đồng thời, phụ nữ - nạn nhân bạo lực gia đình sẽ giảm năng suất lao động, giảm khả năng tạo thu nhập và việc làm. Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 21.300 vụ bạo hành gia đình và nạn nhân là nữ chiếm tỷ lệ rất cao, 15.164 người và các tỉnh có số vụ bạo hành cao nhất là Thanh Hóa, Gia Lai, Lai Châu, Sóc Trăng…
Để giảm thiểu thấp nhất nạn bạo lực gia đình, đảm bảo an sinh xã hội, cả cộng động cần phải chung tay giải quyết, xem và nhận thức được rằng đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm. Sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, hội, như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… trong tuyên truyền, giáo dục phòng chống bạo lực gia đình. Trước thực tế đó, nhân viên công tác xã hội được xem là có vai trò rất quan trọng trong hoạt động này, nhất là phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện hành vi bạo lực gia đình, chữa trị, phục hồi cho nạn nhân.
Xét ở mọi góc độ, việc ngăn ngừa từ gốc nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình, cách thức ứng xử, giải quyết với các loại hành vi này, cách thức hỗ trợ nạn nhân hoặc hướng dẫn, trang bị cho phụ nữ (nạn nhân chủ yếu) khả năng ứng phó với nguy cơ bạo lực gia đình đều thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội, đặc biệt là họ đã được đào tạo bài bản, có chuyên môn và kỹ năng thực hành. Nói cách khác, nhân viên công tác xã hội phải tham gia trong cả quá trình, từ ngăn chặn, phát hiện hành vi bạo lực, trợ giúp chữa trị, phục hồi các chức năng xã hội cho nạn nhân để họ hòa nhập và phát triển.
Theo đó, thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin để giúp cho phụ nữ, trẻ em có những kỹ năng xử lý cần thiết, chỉ cho họ cần phải liên hệ ở các cơ quan, đoàn thể, tổ chức nào để nhận được sự giúp đỡ trong trường hợp bị bạo lực. Để làm được điều này, nhân viên CTXH phải được tập huấn, nâng cao nhận thức, chuyên môn trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp khi làm việc với các ca bạo lực gia đình.

Đăng Doanh
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll