Hội nghị chuyên đề về công tác Bảo trợ xã hội năm 2022

23/12/2022 11:26

Trong 2 ngày 22-23/12/2022, tại tỉnh Kiên Giang, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác bảo trợ xã hội năm 2022 nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác bảo trợ xã hội giai đoạn 2021-2022; thảo luận, trao đổi những vấn đề ưu tiên trong thực hiện một số chính sách an sinh xã hội và bảo trợ xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII ...

Hội nghị chuyên đề về công tác Bảo trợ xã hội năm 2022
Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội nghị
 
Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH; Đại diện Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành, đoàn thể liên quan; Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Lao động - TBXH; Lãnh đạo Sở Lao động - TBXH các địa phương, Phòng Bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng, cơ quan báo chí và một số cơ sở đào tạo về công tác xã hội và tổ chức quốc tế.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2022, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính sách, chương trình trợ giúp xã hội giai đoạn vừa qua đã được triển khai thực hiện có kết quả tốt. Giai đoạn 2021 - 2022, Cục Bảo trợ xã hội đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao; bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; đã trình ban hành 06 văn bản (01 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 02 Thông tư của Bộ trưởng).

Ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả công tác trợ giúp xã hội năm 2022
 
Cùng với đó, các địa phương cũng đã chủ động xây dựng ban hành văn bản, kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện, bổ sung quy định chế độ chính sách, giải pháp đặc thù, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và đầy đủ của hệ thống chính sách, vừa bảo đảm tính toàn diện trong tổ chức thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.

Thực hiện công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh, giai đoạn 2021 - 2022, Chính phủ đã hỗ trợ 182.900 tấn gạo cứu đói cho gần 12,194 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai. Ngoài ra, các địa phương cũng đã vận động và huy động hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.

 
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên: Triển khai thực hiện Nghị định 20, Bộ đã ban hành Thông tư quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc; Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện xã; thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức. Hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; Có 29 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Công tác chi trả chính sách đã chuyển sang cơ quan cung cấp dịch vụ bưu điện, tạo điều kiện cho địa phương tập trung cán bộ cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát.

Công tác trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm. 95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu. Các địa phương đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho gần 1 triệu người cao tuổi. Đến nay, cả nước đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật.

Trong giai đoạn 2021-2022, lĩnh vực trợ giúp xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội
 
Thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội, 63 tỉnh, thành phố đã hình thành, sắp xếp và tổ chức cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trong đó có nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành hiệu quả và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng nghìn lượt đối tượng. Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội có khoảng 235.000 người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp.

Trong giai đoạn 2021-2025, các Bộ, ngành liên quan và 63 các tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025. Đến nay, đã có 49 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 31 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 18 cơ sở tổng hợp. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và PHCN luân phiên cho người tâm thần nặng như: Trung tâm Bảo trợ xã hội các tỉnh Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên; Trung tâm Điều dưỡng và PHCN người tâm thần Việt Trì.

Đại diện một số đơn vị chia sẻ tham luận tại Hội nghị
 
Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội.

Có thể nói, trong 2 năm vừa qua, các chỉ tiêu Chính phủ, Bộ giao về lĩnh vực bảo trợ xã hội đã được thực hiện thành công. Cụ thể: Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; Bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai; Bảo đảm 87% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; Bảo đảm 87% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Nhiều văn bản chính sách trong lĩnh vực bảo trợ xã hội được ban hành, tăng mức độ bao phủ của người dân
 
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, người dân và đối tượng bảo trợ đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội. Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, công tác trợ giúp xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, song Bộ Lao động - TBXH đã hoàn thành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trong đó có Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Quyết định 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Đây là những văn bản cốt lõi nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ngoài ra còn có Chỉ thị 39 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với người khuyết tật trong tình hình mới, Chương trình phát triển y tế trong lĩnh vực lao động xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Lao động – TBXH cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng nhiều văn bản lớn, quan trọng trong lĩnh vực trợ giúp xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 như nghiên cứu sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị quyết mới về chính sách xã hội…

Đã có nhiều mô hình Trung tâm công tác xã hội hoạt động hiệu quả, góp phần cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp cho người dân, đối tượng yếu thế
 
Cùng với đó, đã bảo đảm an sinh xã hội cho trên 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, cứu trợ khẩn cấp kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giáp hạt. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác trợ giúp xã hội, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, mở rộng diện được cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều mô hình công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội đã triển khai hiệu quả. Với trên 425 cơ sở trợ giúp xã hội chăm lo cho trên 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội đặc biệt khó khăn, lang thang cơ nhỡ đã góp phần giữ vững ổn định xã hội, phòng chống dịch hiệu quả. Hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị, để từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2023, Cục Bảo trợ xã hội tập trung thực hiện những nhiệm vụ: Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung. Trình Chính phủ Nghị định Công tác xã hội. Nghiên cứu đề xuất chính sách trợ giúp xã hội đối với người nghèo không có khả năng lao động, người có thu nhập thấp. Đề xuất đề án nghiên cứu xây dựng Luật Trợ giúp xã hội…

Thực hiện tốt công tác chỉ đạo phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai, nắm chắc tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt trợ giúp đột xuất, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khi có thiên tai xảy ra; tiếp tục bám sát tình hình thiếu đói, chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp tình hình thiếu đói để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện trợ giúp đột xuất ở địa phương.

Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; hướng dẫn các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể chủ động nâng mức trợ cấp, trợ giúp, mở rộng đối tượng; tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hội, đoàn thể liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

Triển khai Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Chương trình trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025. Xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll