Vai trò của cán bộ CTXH trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người mại dâm

09/02/2013 11:37

Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đến tháng 7/2012 cả nước có 123 trung tâm giáo dục và cai nghiện ma túy, trong đó chỉ có 3 trung tâm chuyên biệt để giáo dục và chữa trị cho người bán dâm, cai nghiện ma túy là phụ nữ với 803 người.

Vai trò của cán bộ CTXH trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ  cho người mại dâm

Trên thực tế, hiện số người làm nghề mại dâm trong các trung tâm chữa trị chỉ chiếm 5-6% so với số người bán dâm có hồ sơ quản lý, và chiếm 2-3% so với tổng số người bị nghi vấn bán dâm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các địa phương đã tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý địa bàn và thanh tra, kiểm tra hơn 26.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 8.360 cơ sở vi phạm. Trong đó, xử lý nhắc nhở, cảnh cáo 3.976 cơ sở; phạt tiền 2.472 cơ sở với tổng số tiền 6,41 tỷ đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép 94 cơ sở; chuyển cơ quan chức năng xử lý 10 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm. Lực lượng công an các cấp đã đấu tranh, triệt phá 528 vụ hoạt động mại dâm, bắt giữ hơn 1.800 đối tượng.

Hơn 90% số người bán dâm vẫn đang hành nghề và mang nhiều mầm mống bệnh tật là thách thức lớn đối với công tác phòng chống tệ nạn. Bên cạnh đó, Quốc hội vừa thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Đây là một thay đổi lớn về quan điểm trong việc xử lý vấn đề phòng, chống tệ nạn mại dâm từ việc tập trung nhiều vào triệt phá, giờ tập trung hỗ trợ xã hội, giảm tổn thương cho các đối tượng bán dâm. Bên cạnh công tác cai nghiện tại trung tâm, tăng cường cai nghiện tự nguyện theo quy định mới, công tác quản lý sau cai tại cộng đồng được tăng cường, không còn tình trạng cai cắt cơn đơn thuần. Bước đầu thực hiện chế độ hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người cai nghiện tại cộng đồng. Số người được cai nghiện từ đầu năm 2012 đến nay là 16 ngàn lượt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng các mô hình về phòng ngừa và hỗ trợ trực tiếp cho người bán dâm tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện các chương trình hỗ trợ lồng ghép với công tác phòng, chống HIV/AIDS, xóa đói giảm nghèo, việc làm… tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ bán dâm có nhu cầu hoàn lương được tiếp cận các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Cũng có đề án thành lập trung tâm hỗ trợ cho các phụ nữ này tạm lánh. tiêu biểu là Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì đưa vào trung tâm bắt buộc sẽ đưa vào các điểm hỗ trợ theo nhu cầu, hỗ trợ tại cộng đồng, thúc đẩy hơn các chương trình đoàn thể phụ nữ.
Về cơ bản, muốn ngăn chặn và đẩy lùi nạn mại dâm trong toàn xã hội cần lấy các hoạt động phòng ngừa làm trọng tâm, trong đó chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và có biện pháp sinh kế mới cho các đối tượng có nguy cơ tham gia tệ nạn mại dâm. Cùng đó, cần xác định rõ về trách nhiệm, tăng thẩm quyền cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm, đặc biệt là cơ quan phòng, chống tệ nạn xã hội trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm. Thời gian qua, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội đã nghiên cứu hợp pháp hóa nghề mại dâm, lấy ý kiến dư luận nhưng xét khía cạnh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, truyền thống đạo đức thì vẫn chưa thể thực hiện.
Trước thực tế này, vai trò của đội ngũ cán bộ công tác xã hội trong can thiệp và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các đối tượng mại dâm là hết sức quan trọng. Bên cạnh những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng “chuyên biệt” về công tác phòng ngừa, hỗ trợ người mại dâm hòa nhập cộng đồng, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình, người làm công tác xã hội cần phải có khả năng để thực hiện vai trò là người vận động nguồn lực, trợ giúp người mại dâm tìm kiếm nguồn lực để giải quyết vấn đề của họ. Nhân viên CTXH cũng sẽ là người kết nối, hướng dẫn, tư vấn thông tin về các dịch vụ, chính sách, tài chính, kỹ thuật sẵn có từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức đề giúp đối tượng giải quyết vấn đề, nâng cao năng lực cho cá nhân, gia đình, nhóm hay cộng đồng. Ngoài ra, cán bộ CTXH phải nắm giữ vai trò tạo sự thay đổi, hướng cho người mại dâm thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi tiêu cực hướng tới những suy nghĩ và hành vi tích cực hơn cho bản thân họ và những người xung quanh. Điều đặc biệt quan trọng là khi làm việc với người mại dâm cũng như các đối tượng xã hội khác, nhân viên CTXH phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ các nguyên tắc của người làm nghề.
Để làm tốt nhiệm vụ, người làm CTXH cần phải được trang bị một số kiến thức, kĩ năng cơ bản. Cụ thể, phải có nhận thức đúng đắn về thực trạng mại dâm, phương thức hoạt động, xu hướng phát triển của mại dâm ở trong nước cũng như các nước trong khu vực và quốc tế; các đặc điểm tình hình mại dâm ở địa phương quản lý. Đồng thời, nắm được quan điểm chỉ đạo, nội dung thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chống mại dâm chung và ở từng địa phương, địa bàn, đơn vị quản lý. Theo đó, cán bộ CTXH phải nắm vững quan điểm chỉ đạo của Chương trình phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011 – 2015) là lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm; chú trọng đến các hoạt động trợ giúp người mại dâm là phụ nữ, trẻ em trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc…) tại cộng đồng; Nhà nước đảm bảo và khuyến khích việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
Nhân viên CTXH cũng phải nắm vững các văn bản, chính sách pháp luật hiện hành và các quy định khác trong công tác phòng ngừa mại dâm được quy định tại Bộ luật Hình sự, các tội phạm liên quan trực tiếp đến mại dâm như tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm và tội mua dâm người chưa thành niên, tội nhằm mục đích mại dâm là một trong những tình tiết tăng nặng của khung hình phạt tội miễn bãi nại… Quan trọng hơn nữa, người trực tiếp làm việc phải có hiểu biết cơ bản về chính sách hỗ trợ cho đối tượng mại dâm (các chính sách về hỗ trợ vốn, cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm,...) nhằm giúp đối tượng tái thiết lập hoàn toàn về thể chất, tâm lý, tinh thần và địa vị xã hội, tạo khả năng, năng lực cho đối tượng mại dâm có được cuộc sống bình thường, không tái phạm và hòa nhập xã hội.
Một số kỹ năng đối với người làm công tác xã hội về hỗ trợ người mại dâm tái hòa nhập cộng đồng
Kỹ năng làm việc với cá nhân người mại dâm: để có thể chủ động đề xuất cung cấp những dịch vụ hỗ trợ phù hợp, cán bộ CTXH cần phải đánh giá nhu cầu cơ bản của người mại dâm thông qua hoạt động đánh giá ‘vấn đề’, hậu quả và trải nghiệm trong quá trình tham gia họ hành nghề, do đó cán bộ CTXH cần có kỹ năng tìm hiểu và phân tích các yếu tố tác động tới tâm, sinh lý, kỹ năng giao tiếp để tạo dựng được lòng tin, khơi gợi sự chia sẻ của đối tượng, từ đó, có thể bằng nhiều cách thức để thuyết phục chị em đang hoạt động mại dâm tìm nghề khác, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững hoặc giảm bớt tần suất tham gia hoạt động mại dâm, giảm tác hại từ hoạt động mại dâm, phòng ngừa HIV/AIDS có thể được coi là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng cần hướng tới của công tác hỗ trợ người mại dâm. Cán bộ xã hội cũng cần biết ‘đánh thức tiềm năng’ của đối tượng, giúp đối tượng nhận thức được giá trị của bản thân, hiểu được hoàn cảnh và nguyên nhân sa vào mại dâm; khơi dậy tư duy tích cực, giảm suy nghĩ tiêu cực, giúp thay đổi nhận thức và hành vi. Ngoài ra, việc nhận biết và can thiệp khủng hoảng kịp thời, phù hợp cho họ cũng là một kỹ năng cần có của người làm công tác xã hội.
Kỹ năng làm việc với nhóm người mại dâm: làm việc theo nhóm ‘đồng đẳng’ hay các câu lạc bộ/ mô hình được coi là một biện pháp hữu hiệu để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, giảm hại từ mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ tái hòa nhập cho người mại dâm ở cộng đồng. Để hoạt động của nhóm người mại dâm thực sự có hiệu quả, nhân viên CTXH cần phải đóng vai trò như một cán bộ tham vấn nhóm, cần sử dụng thành thạo các kỹ năng và kiến thức cụ thể để giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ câu chuyện, cảm xúc, suy nghĩ và các ý kiến của họ; khuyến khích các đối tượng hỗ trợ và đưa ra những phản hồi cho nhau; giúp nhau vượt qua khó khăn của họ với sự hỗ trợ của các thành viên khác trong nhóm. Lưu ý, trong nhóm có nhiều người mại dâm tham gia, với những tính cách, cá tính khác nhau, nhà CTXH phải có kỹ năng ‘giải quyết vấn đề’ của từng thành viên đồng thời cũng cần chú ý đến ‘vấn đề chung’ của toàn nhóm và phải tiên lượng trước các giai đoạn ‘khủng hoảng’ mà nhóm đang hoặc sẽ trải qua để sử dụng các can thiệp một cách phù hợp.

Kỹ năng tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm phòng ngừa, thay đổi hành vi giúp người mại dâm tái hòa nhập cộng đồng: hoạt động tuyên truyền ở cộng đồng nhằm hướng tới mục đích nâng cao kiến thức, kĩ năng cho nhóm hoặc cộng đồng trong công tác phòng ngừa, hỗ trợ người mại dâm tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi kênh, phương tiện truyền thông trong cộng đồng đều có những ưu điểm và hạn chế của nó, vì vậy người làm CTXH phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi lựa chọn và phối hợp các kênh, phương tiện truyền thông với các loại tài liệu/thông điệp khác nhau về cả hình thức và nội dung. Để các hoạt động truyền thông trong cộng đồng hiệu quả, nhân viên xã hội cần có các kỹ năng cơ bản về lập kế hoạch, kiểm tra, đánh giá hoạt động ở cộng đồng, có kỹ năng sử dụng các phương pháp phù hợp như lưạ chọn nội dung tuyên truyền, thuyết trình, mời báo cáo viên, tổ chức thảo luận nhóm,… để tiếp cận, giao tiếp/làm việc với cộng đồng và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Ngoài ra, cần có kỹ năng vận động chính sách, thuyết phục cán bộ, cộng đồng để có sự đồng thuận trong giúp đỡ chị em mại dâm và giảm kì thị…

TS.Lê Thị Hà

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll