Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và đánh giá giữa kỳ Đề án 1019

28/11/2015 04:26

Trong 2 ngày 26-27/11, tại tỉnh Ninh Bình, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và đánh giá giữa kỳ Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 -2020. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và đánh giá giữa kỳ Đề án 1019
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 5 năm thực hiện, Luật Người khuyết tật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã thành lập Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cấp xã theo đúng quy định. Tính đến năm 2015, đã có trên 1,3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật (chiếm khoảng 18,7%), đa số là các trường hợp NKT nặng và đặc biệt nặng. Về cơ bản, việc xác định mức độ khuyết tật tại cấp xã triển khai thuận lợi, hợp lý, tạo điều kiện cho NKT tiếp cận kịp thời các chính sách của Nhà nước. Công tác này vẫn đang được các địa phương tiếp tục thực hiện cho những người khuyết tật chưa được xác nhận và những người khuyết tật mới phát sinh. 

Về chính sách bảo trợ xã hội, từ năm 2010, số NKT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Luật Người khuyết tật hàng năm ngày càng tăng lên. Năm 2010, số NKT được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng là 395 nghìn người, năm 2012, tăng lên 576 nghìn người, năm 2014 là 796.521 người. Số người (hộ gia đình) được hưởng trợ cấp chăm sóc NKT hàng tháng tại cộng đồng cũng tăng lên, năm 2011 có trên 8.000 hộ, đến năm 2012 tăng lên trên 9.500 hộ, năm 2013 là 11.000 hộ.
Hiện nay, theo thống kê, cả nước có 67 cơ sở trợ giúp NKT (trong đó có 30 cơ sở công lập và 37 cơ sở ngoài công lập) cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động, dạy nghề, thể dục thể thao, văn hóa và nuôi dưỡng những NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2010, số NKT được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội khoảng 15.000 người, đến năm 2014 tăng lên trên 18.000 người. Các chế độ đối với NKT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng và trong trung tâm bảo trợ xã hội được thực hiện đúng quy định. Đến cuối năm 2014, đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách và chủ động nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội cao hơn mức quy định của Chính  phủ như Hà Nội mức 350.000 đồng/tháng, Bình Dương 340.000 đồng/tháng, Quảng Ninh 300.000 đồng/tháng...

Các đại biểu tham dự hội nghị
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Công tác giáo dục, đào tạo cũng được quan tâm chú trọng. Hiện có trên 78 nghìn trẻ khuyết tật có khả năng học tập đang đi học, chủ yếu là học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ban hành quy định về thống nhất sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong toàn quốc, biên soạn tài liệu ngôn ngữ kí hiệu dành cho các cấp học phổ thông, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật.
Về công tác dạy nghề, việc làm, sau 5 năm, mạng lưới cơ sở dạy nghề cho NKT đã gia tăng đáng kể, từ 850 cơ sở (năm 2010) lên 1.130 cơ sở (năm 2014), trong đó có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Giai đoạn 2010 – 2014, cả nước có khoảng 120 nghìn NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm. Một số địa phương đã tích cực tổ chức dạy nghề, tư vấn và tạo việc làm cho NKT, xây dựng mô hình tự tạo việc làm của NKT có hiệu quả, hỗ trợ sinh kế thông qua các hoạt động như mua con giống, trồng trọt, phát triển nhóm sản xuất quy mô nhỏ, nghề thủ công...
Có thể nói, trong 5 năm triển khai Luật, việc thực hiện chính sách pháp luật về NKT đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của NKT. Cùng với đó, sự thay đổi về nhận thức xã hội đã giúp cho NKT ngày càng tự tin hơn, hòa nhập với đời sống xã hội. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về mọi mặt của NKT, từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện một bước việc đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của NKT, tạo động lực để họ phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật cho rằng, tại Hội nghị này, các đại biểu cần tập trung thảo luận, góp ý cho những kết quả đạt được, những tồn tại của Luật sau 5 năm thực hiện và hơn 2 năm Đề án 1019 có hiệu lực. Trong đó đặc biệt tập trung vào các vấn đề như: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Luật ở địa phương; những thuận lợi, khó khăn của địa phương khi triển khai Luật NKT xét ở các góc độ như sự quan tâm, chỉ đạo, các văn bản, chính sách...; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành cấp trung ương và Sở, ngành cấp địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể xã hội; giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình hành động đến năm 2020. Trước mắt, trong năm 2016 phải có báo cáo về việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT.
Cùng với đó, là chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT là rất quan trọng và hiện còn đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, công tác tham mưu chỉ đạo...  Vấn đề phân loại xếp hạng NKT hiện nay, xác định đối tượng, cấp thẻ và sử dụng thẻ cho NKT. Về công tác bảo trợ, hiện mới chỉ có 2 nhóm đối tượng NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp bảo trợ hàng tháng và các chính sách khác, còn đối với nhóm khuyết tật bình thường vẫn chưa được cấp thẻ, gây khó khăn trong việc học nghề, tìm việc làm của đối tượng. Mặt khác, do ngân sách Nhà nước hạn hẹp, thực hiện Nghị định 136/NĐ- CP, Chính phủ mới ưu tiên cho một số đối tượng, vậy đối với những trường hợp khác thì sao. Vấn đề đổi mới phương thức chi trả trợ cấp, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, phát triển tổ chức hội của NKT hiện nay ra sao...
TS. Nguyễn Hải Hữu trình bày tình hình trợ giúp xã hội cho NKT ở nước ta hiện nay
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và địa phương giới thiệu về chính sách trợ giúp xã hội cho NKT ở Việt Nam, tình hình thực hiện Luật NKT và Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020...
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll