[LĐXH] Chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật

04/09/2015 05:14

Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống tại phòng 602, Nơ 7A, bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là cô gái khuyết tật có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò. 12 năm qua, Vân cùng với anh trai đã dạy nghề miễn phí, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm người khuyết tật trên khắp cả nước.

[LĐXH] Chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật

Nguyễn Thảo Vân, sinh năm 1987 tại miền quê nghèo ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ, cơ thể Vân phát triển hoàn toàn bình thường. Nhưng lớn lên Vân mắc căn bệnh lạ, chân tay và nhiều bộ phận khác trên cơ thể ngày càng teo tóp, khiến em không thể tự đi lại được, mà phải ngồi xe lăn. Không khuất phục trước số phận, từ năm 2003, Vân bắt đầu tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt... Em cùng các bạn tổ chức các hoạt động giúp những người khuyết tật vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm, giúp họ tự tin hơn và hòa nhập với xã hội.

Năm 2006, Vân và anh trai - Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất) cùng một nhóm bạn thành lập Trung tâm Nghị lực sống tại Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật, chủ yếu ở lĩnh vực tin học và ngoại ngữ. Cùng với đó, em và các tình nguyện viên còn dành nhiều thời gian để tổ chức các môn học sáng tạo, các chương trình về kỹ năng mềm cho học viên, giúp các bạn tự tin và độc lập hơn trong cộng đồng.

Nguyễn Thảo Vân (người ngồi xe lăn) trong một chuyến công tác từ thiện tại tỉnh Hà Giang

Khác với mô hình các trung tâm dạy nghề khác, Trung tâm Nghị lực sống thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Vân và các tình nguyện viên đã tìm đến các công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng, đạt tiêu chuẩn để tìm suất việc làm, cùng những yêu cầu về công việc. Trên cơ sở đó, trung tâm đào tạo học viên có trình độ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, hầu hết các học viên của trung tâm đều vượt qua kỳ thi tuyển dụng của các công ty, bảo đảm có việc làm. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Nghị lực sống của Vân tiếp nhận hơn 60 học viên. Theo học tại đây, các bạn trẻ khuyết tật được miễn hoàn toàn tiền học. Gần mười năm hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận và đào tạo được hơn 700 học viên, trong đó 80% số học viên đã có việc làm ổn định với mức lương trung bình khoảng tám triệu đồng/tháng/người. Nhiều người trong số họ tình nguyện quay lại trung tâm để dạy các học viên khác.

Từ khi Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mất, hoạt động của trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc động viên tinh thần của các bạn học viên. Hiểu được điều đó, một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo từ các trường đại học và nhiều doanh nghiệp, công ty ở Hà Nội… đã chung tay góp sức, cộng tác với trung tâm, liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Cô giám đốc trẻ tuổi có thêm động lực mới, tiếp tục vận hành “ngôi nhà chung”, hoàn thành mục tiêu hỗ trợ hoà nhập toàn diện cho các bạn khuyết tật như chị. Trung tâm hoạt động chủ yếu dựa trên tiền ủng hộ và đóng góp của các tổ chức, cộng đồng xã hội và các nhà hảo tâm.

Thông thường, để thành lập và duy trì hoạt động mô hình dạy nghề có giáo viên, cơ sở vật chất, máy móc, giáo trình... như ở Trung tâm Nghị lực sống phải đầu tư khoảng 150 triệu đồng/tháng, nhưng hiện tại chi phí cho hoạt động của trung tâm là 29 triệu đồng/tháng, trong đó, riêng tiền thuê nhà đã là 16 triệu đồng/tháng. “Giám đốc” Vân phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc như quản lý trung tâm, gặp gỡ đối tác đàm phán công việc, tham gia đào tạo các khóa học... Các học viên nhận làm giấy gió, thiết kế trang web, làm kẹp tóc, nơ buộc tóc... để bán. Số tiền thu được sẽ đưa vào quỹ dự phòng hoạt động của trung tâm, một phần giúp các học viên trang trải chi phí sinh hoạt.

Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2015, Trung tâm dự định sẽ tổ chức một chương trình dành riêng cho học viên và các bạn khuyết tật khác trên cả nước vào ngày 28-11. Bên cạnh hoạt động biểu diễn ca nhạc, triển lãm và bán đấu giá tranh ảnh, chương trình còn có buổi biểu diễn thời trang dành cho phụ nữ khuyết tật do các nhà thiết kế thời trang đến từ I-ta-li-a thiết kế trang phục biểu diễn. Chắc chắn đó sẽ là sự kiện có ý nghĩa to lớn, tiếp thêm niềm vui, nghị lực sống cho những người khuyết tật.

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll