Hội nghị chuyên đề về trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội năm 2016

29/12/2016 15:52

Trong 2 ngày 25 - 26/4, tại Lào Cai, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức Hội nghị chuyên đề về trợ giúp xã hội (TGXH) và phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) năm 2016 với sự góp mặt của gần 300 đại biểu, nhằm đánh giá những kết quả của lĩnh vực bảo trợ những năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2016- 2020. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì hội nghị.

Hội nghị chuyên đề về trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội năm 2016
Tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; các đồng chí đại biểu đại diện các Bộ: Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí lãnh đạo các Sở LĐTBXH, Phòng Bảo trợ xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội; đại diện Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, UNICEF, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo CTXH.

Toàn cảnh Hội nghị

Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Hệ thống pháp luật và chính sách trợ giúp xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực trợ giúp xã hội và phát triển nghề  công tác xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ðời sống vật chất và tinh thần của đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội được hình thành và từng bước mở rộng, gia tăng số lượng người dân được thụ hưởng dịch vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Đàm cho biết, công tác trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội ở VN vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, cụ thể: Nhiều cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội chưa được hệ thống hóa. Đây là các quá trình rất phức tạp, cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau.

Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; tính xã hội chưa cao; chưa đáp ứng được yêu cầu trợ giúp, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng và người dân có nhu cầu dựa vào cộng đồng.

Phần lớn cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Đội ngũ người làm công tác xã hội còn thiếu về số lượng, nhất là đội ngũ người làm việc trực tiếp với đối t­ượng; tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên công tác xã hội còn hạn chế. Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu chào mừng Hội nghị

Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội chưa được áp dụng toàn diện, gây ảnh hưởng tới đời sống người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người tâm thần.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết: Trong năm 2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thách nhưng công tác TGXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, về trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, tính đến tháng 12/2015, Chính phủ đã hỗ trợ cho 21 tỉnh với tổng số hơn 31.606 tấn gạo để cứu đói cho gần 2,1 triệu lượt người, trong đó nhiều nhất là các tỉnh: Nghệ An (4.915 tấn), Quảng Ngãi (3.381tấn), Thanh Hóa (2.868 tấn), Bình Định (2.224 tấn). Về trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP từ ngày 01/01/2016 bảo đảm ổn định đời sống cho trên 2,643 triệu đối tượng.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội tổng kết, đánh giá TGXH năm 2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020

Về trợ giúp người khuyết tật, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho khoảng 1.311.332 người khuyết tật. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020.

Việc phát triển nghề CTXH, TGXH và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn… đều đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhìn chung, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH, công tác bảo trợ xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách TGXH ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng. Tư duy, nhận thức, quan điểm về TGXH đã chuyển từ nhân đạo sang việc bảo đảm quyền được an sinh của người dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo đồng thời huy động được sự tham gia của cộng đồng. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp cho đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước.

“Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách TGXH đã tăng lên 3%” - Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Một số khuyến nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF cho rặng đây là hội nghị hết sức quan trọng hướng đến việc đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường sự công bằng trong xã hội Việt Nam. Theo đánh giá của UNICEF, trong thời gian vừa qua, Bộ LĐTBXH đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất về mặt giải pháp quan trọng nhằm tăng cường việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm yếu thế, trong đó có nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, người khuyết tật, người có các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, người già và các nhóm đối tượng khác. Đặc biệt, Cục BTXH đã việc xây dựng và tổ chức thành công hội thảo tham vấn quốc gia về Đề án Đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội dựa trên quyền và vòng đời, chú trọng vào cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội là một trong ba trụ cột chính về TGXH ở VN trong trợ giúp thường xuyên và trợ giúp đột xuất. Việc tâp trung hướng đến việc phát triển nghề CTXH và các mô hình, các hệ thống TGXH dựa vào cộng đồng sẽ là các giải pháp hết sức quan trọng và chiến lược.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF đưa ra các khuyến nghị nhằm đổi mới hệ thống TGXH và phát triển nghề CTXH tại VN.

Thay mặt cho UNICEF, bà Loan chia sẻ một số những quan điểm liên quan đến việc tăng cường trợ giúp xã hội ở VN. Theo đó, VN chưa có khái niệm chính thức về “dịch vụ TGXH” và “chăm sóc xã hội”, hai khái niệm này còn được sử dụng với tư cách thay thế nhau trong nhiều diễn đàn, gây ra sự nhầm lẫn và những điểm chưa rõ. Do đó, UNICEF đưa ra các khuyến nghị sau:

Thứ nhất, VN nên đưa ra khái niệm và phạm vi rõ ràng về dịch vụ TGXH và dịch vụ chăm sóc xã hội để đồng nhất cùng một tư duy khi đề cập đến thuật ngữ này

Thứ hai, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phát triển nghề  CTXH, chính vì thế UNICEF khuyến cáo VN  xem xét để đưa ra một văn bản pháp lý, khuyến cáo việc xây dựng Luật về CTXH, trong đó quy định rõ định nghĩa, chức năng, nhiệm vụ vị trí nghề nghiệp, tiêu chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn đạo đức, các quy định trong việc cấp phép thực hành cho nhân viên CTXH…

Thứ ba, UNICEF khuyến nghị việc phân tích chi tiết chi phí cho các mô hình ở VN đang thí điểm để từ đó xây dựng kế hoạch về chi phí chi tiết cho đề án về Đổi mới và phát triển hệ thống TGXH. Đây là giải pháp quan trọng trong đề án để đảm bảo xây dựng các mục tiêu phù hợp, kể cả nguồn nhân lực và chi phí.

Thứ tư, nguồn nhân lực trong hệ thống cung cấp TGXH đóng vai trò hết sức quan trọng. Cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc cơ cấu lại nguồn nhân lực, trước hết là ngành LĐTBXH các cấp, hướng đến việc ưu tiên phát triển các dịch vụ TGXH dựa vào cộng đồng, ưu tiên phát triển đội ngũ nhân viên CTXH, nhân viên chăm sóc xã hội và các trung tâm CTXH cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, tạo tiền đề cơ bản để phát triển TGXH dựa vào cộng đồng.

Cuối cùng, UNICEF đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng, gia đình và các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức đoàn thể, vai trò của cộng đồng, gia đình trong việc TGXH là hết sức qun trọng, cần phải có các giải pháp, cơ chế cụ thể, huy động sự tham gia nhiều hơn, hỗ trợ giám sát việc các tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia vào việc trợ giúp xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các địa phương, các trung tâm TGXH đã trình bày các mô hình hoạt động hiệu quả, các bài tham luận, cũng như nêu rõ những khó khăn hiện nay mà địa phương đang phải đối mặt. Các đại biểu cũng đã chia nhóm thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc theo các chuyên đề: (i) Phát triển nghề CTXH, (ii) Chăm sóc sức khỏe tâm thần, (iii) Phát triển quy hoạch các cơ sở TGXH và (iv) Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, từ đó chỉ ra được những thành công và hạn chế/khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016 và các năm tiếp theo.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc trung tâm CTXH Đà Nẵng chia sẻ mô hình dịch vụ CTXH tại Đà Nẵng

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, để thực hiện tốt hơn công tác bảo trợ xã hội, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần đánh giá kết quả thực hiện các luật, chương trình hành động giai đoạn vừa qua, xây dựng khung giá dịch vụ TGXH do ngân sách Nhà nước chi trả, tiến tới hỗ trợ theo đối tượng thụ hưởng chứ không phải hỗ trợ theo mô hình trợ giúp. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục BTXH cần tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện trình Đề án đổi mới trợ giúp xã hội trong thời gian sớm nhất; đồng thời xây dựng trình Đề án cơ sở dữ liệu ASXH, Thông tư hướng dẫn Nghị định 136 và 26 để ban hành cho kịp thời; đánh giá khả thi đề xuất xây dựng Luật TGXH/CTXH; tập trung xử lý nhanh các đề xuất của địa phương về cấp gạo cứu đói, hạn hạn…


Các đại biểu trình bày tham luận và thảo luận tại Hội nghị.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng đề nghị cần chuẩn bị cả về tư tưởng, tinh thần để phối hợp với các nhà thầu đã trúng với WB để triển khai nhập dữ liệu quốc gia (phần nghèo và TGXH); tập trung chỉ đạo các quận huyện để nắm chắc tình hình đời sống để có ứng phó kịp thời. Đối với những tỉnh chưa có trung tâm CTXH hoặc chưa giao thêm nhiệm vụ cho các cơ sở BTXH thì tham mưu trình tỉnh sớm thành lập. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi phương thức chi trả - chuyển sang cơ quan độc lập (Bưu điện) để trả trợ cấp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra cơ sở/xã, phường trong các lĩnh vực công tác của Ngành để nắm bắt và xử lý kịp thời, hiệu quả.

Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll