Chương trình giảm nghèo của Việt Nam là cuộc cách mạng thực sự!

17/11/2023 15:43

Sáng 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 tại Lào Cai.

Chương trình giảm nghèo của Việt Nam là cuộc cách mạng thực sự!

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu những con số, qua 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu...

Từ hoạt động thực tế trên địa bàn Bát Xát, một huyện nghèo của tỉnh này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh thực tại với thời điểm 10-15 năm trước. Ông kể, giai đoạn 2007-2008, khi làm Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, đi Lào Cai, đến Bát Xát nhìn cảnh tượng xơ xác, đến 80-90% dân số thuộc diện nghèo. 

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà một hộ đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo tại Phin Ngan chiều 16/11 (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Nay trở lại xã Phìn Ngan, một địa bàn rất khó khăn thì thu nhập trung bình của người dân đã đạt trên 20 triệu đồng/năm. 

"Chương trình giảm nghèo của Việt Nam thực sự là cuộc cách mạng, đã được cả nhà nước, người dân và cả quốc tế ghi nhận", Bộ trưởng khái quát.

Công tác giảm nghèo là điểm sáng

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15  đã phê duyệt chủ trương đầu tư "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".

Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm 2023, chúng ta đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, diễn ra sáng 17/11 tại Lào Cai (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Với những thành quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo những giai đoạn trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2021/QH15 đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đã có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Đến nay, trong nửa chặng đường thực hiện, chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết 24 đã đề ra. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, có được kết quả đó, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết công tác giảm nghèo tại vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, thời gian qua nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải.

Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

"Giữ rừng, giữ nước, giữ nhân dân, giữ biên giới"

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong khái quát, sau 32 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất cả nước (tỉ lệ hộ đói, nghèo chiếm 55%) trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định; văn hóa - xã hội phát triển tương đối toàn diện, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó Lào Cai còn nhiều khó khăn, trăn trở liên quan đến công tác giảm nghèo. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; có 4 huyện nghèo, 66 xã đặc biệt khó khăn, 605/1.568 thôn đặc biệt khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đến nay là 23,9% (hộ nghèo 14,94%, cận nghèo: 8,96%); chênh lệch về thu nhập, mức sống của nhân dân giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn còn cao; nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn.

Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ chung xuyên suốt phát triển của tỉnh là "Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới", vừa ổn định nguồn sinh kế cho đồng bào, vừa góp phần phát triển bền vững cho cả vùng.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị giao vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cả giai đoạn 2021 - 2025 cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện.

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll