Chuyện đời chàng trai khiếm thị hát cùng Mỹ Tâm đêm Giáng sinh

26/12/2016 16:04

Sinh ra trong gia đình có 5 anh, chị em nhưng chỉ duy nhất Nguyễn Đức Mạnh bị di chứng khiếm thị bẩm sinh. Gia cảnh nghèo khó, cộng với những mặc cảm bản thân khiến ước mơ học hành của Mạnh bị dang dở. Dù vậy, Mạnh không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn tích cóp để đỡ đần cha mẹ.

Chuyện đời chàng trai khiếm thị hát cùng Mỹ Tâm đêm Giáng sinh

Ca sĩ Mỹ Tâm và chàng trai khiếm thị Nguyễn Đức Mạnh. Ảnh:T.L

Từng hai lần đoạt giải cuộc thi hát

Sau khi được ca sĩ Mỹ Tâm dừng lại hát cùng ở sân khấu ngoài trời để quyên góp từ thiện, chàng trai khiếm thị Nguyễn Đức Mạnh nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Trên mạng xã hội, các hình ảnh, clip ghi lại màn song ca độc đáo của chàng trai này cũng được lan truyền chóng mặt. Danh hài Hoài Linh, Thu Trang, MC Nguyên Khang ngay lập tức đã có lời chia sẻ đầy cảm phục đến ca sĩ Mỹ Tâm, coi đây là hành động đẹp, thiết thực, rất có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Ngay sau đó, có mặt tại sân khấu nơi ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn ngẫu hứng, chúng tôi ghi nhận được câu chuyện đầy nghị lực của chàng trai khiếm thị Nguyễn Đức Mạnh. Sinh năm 1988 trong một gia đình nghèo nhưng lại có tới 5 anh chị em nên con út như Mạnh có phần thiệt thòi hơn. Gánh nặng dồn lên vai bố mẹ khi một lúc phải nuôi 5 miệng ăn, trong khi thu nhập chính của gia đình chỉ đơn thuần làm nghề nông. Vì thế mà các anh chị em của Mạnh đều chỉ học đến lớp 9, lớp 10 là nghỉ học để lo cho cuộc sống mưu sinh trước mắt. Mạnh cũng vậy, em chỉ học đến lớp 9 rồi xin bố mẹ cho nghỉ để đi làm. Nguyên nhân vì khó khăn thì ít mà vì tự ti là nhiều. Bởi không giống như các anh chị em trong gia đình, Mạnh bị khiếm thị bẩm sinh nên việc học hành với em là cả một "cuộc chiến" chống lại với con chữ và sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Mạnh bảo, em thích học lắm, vì em học hỏi những người có số phận giống như em nhưng có tới hai bằng đại học, trở thành giám đốc để tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật. Em biết, chỉ có con đường học hành mới vươn lên và thoát khỏi sự kỳ thị. Nhưng ở trong hoàn cảnh của em, nhà lại nghèo, tự ti nọ chồng lên tự ti kia thì khó có sức mạnh để theo đuổi đến cùng.

Học hết lớp 9, Mạnh theo học nghề xoa bóp bấm huyệt, rồi "đầu quân" về Hội Người mù TP Hà Nội. Mức thu nhập không cao nhưng với Mạnh, đó là nơi khiến em tìm lại giá trị bản thân và được yêu thương bởi những người cùng cảnh. Hai năm nay, Mạnh tạm ngưng công việc này vì được đánh giá là có giọng hát hay. Đã hai lần Mạnh đi thi Tiếng hát hay của Hội Người khiếm thị và đều giành giải cao. Một lần được giải Nhì, một lần giải Nhất. Từ khi đi hát, Mạnh có nguồn thu nhập khá hơn nhưng em bảo, "có khi em chỉ đi hát một thời gian nữa thôi, rồi trở về làm nghề xoa bóp bấm huyệt. Nghề này vừa không phải đi đêm về hôm, chịu mưa chịu rét, lại đều việc. Với những người như em, sự ổn định là điều cần đề cao hơn cả".

Mong được đối xử nhân ái hơn là ủng hộ vật chất

Nói về cơ duyên nào dẫn đến việc đi hát, Mạnh kể: Em thích hát từ khi còn nhỏ. Nói đúng ra, hát chính là người bạn tinh thần xoa dịu đi những nỗi đau về tinh thần cho em. Mạnh cứ tiếc mãi về việc, nếu không có một vài sự kỳ thị từ cộng đồng, có lẽ giờ đây em đã có động lực để ăn học đến nơi đến chốn. Mạnh chia sẻ: "Từ nhỏ, em đã phải hứng chịu sự cay nghiệt từ một số người xung quanh đổ xuống đầu mình. Đi học thì bị bạn bè bắt nạt, xa lánh, không cho ngồi cùng. Trẻ con thì đối xử như vậy, còn người lớn lại là những câu nói như xát muối vào lòng. Em nhớ mãi, có lần mùng 1 Tết, cũng như mọi người, em ra cổng chơi. Có người hàng xóm đi qua buông một câu mà đến giờ nghĩ lại, em vẫn tổn thương: "Sáng ra đã gặp đứa mù thế này thì “dông” cả năm". Người như chúng em, nghèo và thất học thật nhưng chị biết không, điều chúng em cần nhất không phải là sự ủng hộ bằng vật chất, vì chúng em vẫn may mắn là lành lặn chân tay nên không sợ chết đói. Sự kỳ thị, coi thường mới khiến chúng em thấy thiếu tự tin và không dám thể hiện hết mình. Những lúc đó, em hay tìm đến với âm nhạc. Hay nghe nhất là nhạc Bolero vì ca từ dễ nghe, dễ thuộc và ca từ gần với tâm trạng của mình. Cũng chất chứa nhiều tâm sự, nỗi niềm và đôi khi cũng đẫm nước mắt. Từ chỗ chỉ coi đó là nơi để "giải sầu", em được nhiều người khen hát hay nên thỉnh thoảng hay được "trưng dụng" ở các sự kiện. Từ đó, các anh ở trong Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội biết và mời em tham gia. Ở đây, mọi người sống yêu thương và đùm bọc nhau lắm. Hôm nào mưa gió không được đi hát là thấy buồn vô cùng".

Một tín hiệu vui nữa với Mạnh là từ khi đi làm, đi hát, nghĩa là được sống bằng chính bàn tay lao động của mình cũng khiến em được ngẩng cao đầu hơn. "Mình đã "tàn" rồi nhưng đừng bao giờ tự biến mình thành người ăn bám", Mạnh nói. Hơn nữa, không giống như ký ức buồn thuở nhỏ, công việc chân chính giúp Mạnh có cơ hội gặp gỡ với nhiều người văn minh, cảm thông và thấu hiểu những thiệt thòi mất mát của những người như Mạnh.

Chúng tôi hỏi Mạnh: “Sau hôm có ca sĩ Mỹ Tâm đi qua và hát cùng thì có nhiều người ủng hộ hơn so với ngày thường không?”. Mạnh thành thật: "Em không nhìn thấy nên không biết có nhiều người ủng hộ hơn không và tiền có nhiều hơn không. Chỉ thấy điểm khác biệt là có nhiều anh chị báo chí đến gặp gỡ, hỏi han. Cũng vui vui vì không ngờ mình lại được quan tâm như thế".

Trước khi ra về, chúng tôi bày tỏ tấm lòng bằng cách gửi tặng em một khoản tiền nho nhỏ, nhưng Mạnh nhất quyết từ chối. Mạnh bảo, em chỉ nhận tấm lòng và sự ủng hộ thông qua lời ca tiếng hát chứ không để mình trở thành người đi "xin". Đổi lại, Mạnh đề nghị: "Để em tặng chị một bài hát nhé", rồi nhờ người dìu lên sân khấu hát say sưa. Đó là ca khúc "Câu chuyện đầu năm", cũng là bài "tủ" được Mạnh hay hát nhất, nhưng em không gửi gắm những ước vọng lớn lao, cao sang như cách mà người ta hay nghĩ về biểu trưng của nó. Cũng như hành động giản dị, ấm áp của ca sĩ Mỹ Tâm, Mạnh nói: "Em chỉ mong được mọi người đối xử nhân ái hơn, nhất là mỗi khi đi xe buýt hay đi qua đường".

Mỗi buổi đi hát, Mạnh hát chừng 12 bài. Thời gian kéo dài từ 18h đến khoảng 22h đêm. Có hôm, ngoài "ca sĩ" của nhà còn có sự tham gia đóng góp của các nghệ sĩ, các tình nguyện viên. Như tối 26/12, nghệ sĩ cải lương Kim Thoa (mẹ của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền) cũng đến góp vui. Hay như liền chị Mộc Trang, đi từ Bắc Ninh xuống và đã đồng hành cùng Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long từ vài năm nay.
 


Theo Minh Nhật (Giadinh.net.vn)


 

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll