Mỗi năm 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề

19/03/2021 11:00

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi nêu rõ trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 sẽ có 90% người khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng kịp thời.

Mỗi năm 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề
Moi nam 20.000 nguoi khuyet tat duoc ho tro dao tao nghe hinh anh 1
 Các học viên học nghề may công nghiệp được giáo viên (là người khuyết tật) chỉ dạy tận tình tại Trung tâm dạy nghề (Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Bình). (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 6,2 triệu người khuyết tật; gần 12 triệu người (khoảng 13% dân số) sống chung trong gia đình có người khuyết tật.

Đa số người khuyết tật ở Việt Nam thuộc hộ nghèo, chưa bao giờ đi học hoặc không có bằng cấp và trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn. Công việc chính của họ là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp; công việc không ổn định và thu nhập thấp.

Đây là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, do đó, cần có nhiều giải pháp, chính sách để trợ giúp, đáp ứng nhu cầu học tập, lao động của người khuyết tật, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, trong đó có 18 trung tâm cấp tỉnh và cấp huyện, 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Nước ta cũng phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành phố; một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật đã được biên soạn.

Số lượng học sinh khuyết tật được đến trường trong giai đoạn 2012-2020 đã tăng khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000-2010. Chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên.

Các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Giáo dục đặc biệt, tập huấn cho cán bộ quản lý cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố về quản lý, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm, hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập, xây dựng tài liệu giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật…

Thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, đến nay đã có 282.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, trong đó có 210.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 50.000 người khuyết tật được tư vấn, giới thiệu việc làm; 22.000 người được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Các cơ quan chức năng đã góp phần tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho hàng nghìn người dạy nghề. Trong đó hơn 3.350 giáo viên đã tham gia dạy nghề cho người khuyết tật ở hàng trăm cơ sở, mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi nêu rõ trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 sẽ có 90% người khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng kịp thời. 

Các đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh truyền thông, thu hút sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của xã hội nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) với các hoạt động như: hội trợ triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, diễn đàn việc làm đối với người khuyết tật, kết nối với các doanh nghiệp đưa người khuyết tật vào làm việc.../.

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll