Thay đổi tư duy người dân, phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo

17/12/2015 10:33

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,97% năm 2014, dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý nêu ra đó là còn một bộ phận không nhỏ người nghèo thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của cộng đồng, Nhà nước. Những nguồn nội lực của người dân nông thôn chưa được phát huy tiềm năng

Thay đổi tư duy người dân, phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có hai khó khăn lớn đặt ra cho các quốc gia đang phát triển trong tiến trình phát triển mà Việt Nam không phải là ngoại lệ, đó là:
Về phía Nhà nước, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp lại phải tập trung cho rất nhiều mục tiêu phát triển trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, thông thường các vấn đề về phát triển nông thôn, giảm nghèo sẽ không nằm trong danh mục ưu tiên. Thêm vào đó, việc phân bổ ngân sách cho hoạt động này theo chức năng của các bộ, ngành, địa phương riêng rẽ trong khi việc phối hợp liên vùng, liên ngành là một thách thức không dễ vượt qua. Vì vậy, lượng ngân sách vốn đã ít ỏi thường bị phân tán và được sử dụng thiếu phối hợp, phụ thuộc vào phân bổ hàng năm nên rất khó tập trung cho các mục tiêu dài hạn. Trong điều kiện như vậy, việc lập kế hoạch thường mang bóng dáng xin cho, nguồn vốn hỗ trợ mang nặng tính ổn định chính trị xã hội hơn là nguồn vốn đầu tư phát triển nên rất dễ xảy ra tình trạng sử dụng vốn lãng phí và kém hiệu quả nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Đoàn cán bộ Việt Nam thăm qua, học tập chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Phong trào Làng mới của Hàn Quốc
Về phía người dân, đa số cư dân nông thôn có thu nhập thấp, đặc biệt là người nghèo ở dưới mức thu nhập trung bình. Đây là những hộ sản xuất nhỏ, ít hợp tác hoặc thiếu sự liên kết với nhau. Năng lực phát triển sản xuất và cải thiện xã hội của họ rất yếu kém. Phần lớn cư dân nông thôn thường mang trong mình tâm lý cam chịu hoàn cảnh, ỷ lại vào sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền. Họ thiếu khả năng sáng tạo, tinh thần tự chủ và năng lực liên kết, phối hợp hành động. Đây là những trở ngại tự thân, khiến nông thôn mặc dù có lực lượng lao động đông đảo nhưng trì trệ, thiếu kỹ thuật nên năng suất lao động và thu nhập thấp. Chính thái độ ỷ lại, bị động, trông chờ của cư dân nông thôn, người nghèo đã khiến cho các chương trình giảm nghèo, phát triển nông thôn trở nên kém hiệu quả.
Để vượt qua khó khăn nêu trên, nhà nước, các nhà tài trợ và các tổ chức phát triển quốc tế thường áp dụng chiến lược hỗ trợ nhằm bù đắp cho nông dân và người nghèo những tài nguyên họ thiếu (đất đai canh tác, hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới, hỗ trợ vốn, cung cấp tiến bộ kỹ thuật, giúp xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu…). Chính sách này, một mặt đã giúp cư dân nông thôn và cư dân ở các vùng khó khăn thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và dịch vụ với các vùng khác, tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, cải thiện đáng kể đời sống và sinh kế, mặt khác lại làm gia tăng thêm sự bị động của đối tượng thụ hưởng. Người nghèo trở nên ỷ lại vào trợ cấp, nông dân trông chờ sự chỉ đạo kỹ thuật và định hướng thị trường của Nhà nước, cán bộ cơ sở chờ đợi sự hướng dẫn của cấp trên… Những thái độ này trở thành yếu tố cản trở để nông dân vùng khó khăn tự vươn lên trong cơ chế thị trường.
Trong khi đó, theo một cách tiếp cận khác, bản thân người dân nông thôn luôn có sẵn trong mình những nguồn nội lực và tiềm năng chưa được phát huy vì thiếu điều kiện nào đó; sức lao động chưa được khai thác hiệu quả vì thiếu kỹ năng và kiến thức; nguồn kiến thức và văn hóa bản địa chưa được phát huy vì chưa được chú ý đầu tư… Đặc biệt, đó là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự gắn bó và phối hợp sáng tạo ngay trong cộng đồng người dân, đây chính là sức mạnh căn bản đã giúp họ tồn tại trong suốt quá trình lịch sử nhưng đến nay chưa được nhìn nhận và khai thác hợp lý để phát huy trong cơ chế thị trường.
Theo quan điểm phát triển mới, song song với việc tiếp thêm các nguồn tài nguồn mới cho cư dân nông thôn và người nghèo, điều quan trọng hơn hết là khơi dậy tinh thần chủ động và sáng tạo cộng đồng nơi họ sinh sống. Từ đó kích hoạt lên các nguồn nội lực hiện có và hình thành một tinh thần chủ động, để các đối tượng thụ hưởng có thể phát huy một các hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ bên ngoài. Để khởi động qúa trình này, khâu quan trọng trước nhất cần làm là thay đổi tư duy, để từ đó dẫn đến thay đổi hành vi của cư dân nông thôn và người nghèo. Đây là cách tiếp cận hợp lý nên được nghiên cứu, áp dụng trong các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
“Phong trào Làng mới” - kinh nghiệm Hàn Quốc và bài học giảm nghèo bền vững cho Việt Nam
Vào những năm 1970, nông dân Hàn Quốc giống như nông dân các nước châu Á khác, vốn quen sống trong cảnh nghèo nàn và an phận thủ thường, thiếu tinh thần trách nhiệm về hoàn cảnh khó khăn của mình và thường ỷ lại, đổ tại cho những yếu tố bên ngoài. Tư tưởng nho giáo phong kiến, chế độ thực dân lâu dài và hậu quả chiến tranh ác liệt làm nặng thêm tâm lý cam chịu của người dân.
Tổng thống Park Chung Hye- người khởi xướng Phong trào Làng mới cho rằng, cách phát triển nông thôn tốt nhất là huy động cho được nội lực của nông dân, cách thức tổ chức tốt nhất là hình thành các đơn vị phát triển của cộng đồng nông dân tại mọi làng xã, động lực quan trọng nhất là phát huy cho được tinh thần làm chủ, ý chí sáng tạo, tự tin của nhân dân. Vì vậy, mục tiêu của Phong trào Làng mới là thay đổi suy nghĩ thụ động và ỷ lại tồn tại ở phần lớn nhân dân sống trong khu vực nông thôn, khiến cho họ có niềm tin và trở nên tích cực đối với sự nghiệp phát triển nông thôn, làm việc chăm chỉ, độc lập và đoàn kết cộng đồng.
Phong trào Làng mới nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng nhất tạo động lực cho phát triển là “phát động tinh thần của nông dân”, lấy kích thích vật chất nhỏ và chính sách để kích thích sức mạnh tinh thần, qua đó phát huy nội lực tiềm tàng to lớn của nông dân. Trong Phong trào Làng mới, Hàn Quốc tập hợp nông dân bằng việc thành lập các hội đồng phát triển nông thôn ở mọi làng xã, do nông dân tự nguyện tổ chức. Các tổ chức này trước tiên huy động mọi người cùng tham gia vào các hoạt động công ích chung của làng xã. Cấp quan trọng nhất là cấp cơ sở, mỗi làng bầu ra "Uỷ ban Phát triển Làng mới" gồm 5 đến 10 người để vạch kế hoạch và tiến hành dự án phát triển nông thôn. Các ủy ban vạch kế hoạch phát triển vùng và quyết định cách thức chính quyền giúp đỡ kỹ thuật và tài chính cho dân làng tham gia phong trào. Ngoài ra, ủy ban còn được thiết lập ở mọi cấp của chính quyền địa phương (cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện) để cố vấn và hướng dẫn uỷ viên các làng lập và lựa chọn dự án, quyết định những vấn đề ưu tiên và huy động lao động, vật tư và tiền của. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả lớn nhất của Phong trào Làng mới đó là những người nông dân đói nghèo trở nên tự tin, nông thôn trở thành xã hội năng động, có khả năng tự tích luỹ, tự đầu tư và nhờ đó mà có khả năng tự phát triển.
Từ năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA đã tiến hành thử nghiệm một số mô hình phát triển nông thôn tại một số địa phương của Việt Nam theo mô hình Làng mới Saemaul Undong và đạt được một số kết quả: Tại tỉnh Thái Nguyên, thử nghiệm mô hình đã thất bại do địa điểm được lựa chọn tương đối khó khăn, thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước nên trong quan điểm của cả lãnh đạo và người dân địa phương thì hoạt động của chương trình không khác gì một dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ khác. Do vậy, khi được yêu cầu đóng góp sức người, sức của, tiến hành cải cách thể chế thì địa phương và người dân không tích cực ủng hộ. Họ trông đợi các nguồn lực về vốn, vật tư của nhà tài trợ và muốn được cung cấp trang thiết bị, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại nước ngoài… giống như khác dự án khác. Vì vậy, chương trình kết thúc mà không đem lại sự thay đổi rõ rệt nào.
Tại tỉnh Quảng trị, địa bàn được chọn là xã Vĩnh Mốc, huyện Vĩnh Linh. Đây là nơi từng diễn ra chiến tranh ác liệt, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sinh kế cho người dân sau hòa bình nên quan hệ cộng đồng của người dân và ý thức trách nhiệm của cấp lãnh đạo với người dân khá tốt. Khi được tiếp nhận hỗ trợ của dự án, tinh thần tự chủ - đoàn kết – sáng tạo của Phong trào Saemaul Undong đã được truyền tải tương đối tốt cho cộng đồng. Do đó, các hoạt động cải thiện đời sống cơ bản như làm bếp, làm nhà vệ sinh… đã diễn ra hiệu quả; các dự án xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như đường, thủy lợi… được tổ chức thực hiện khá tích cực. Nhìn chung, chương trình Làng mới tại Vĩnh Mốc đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và đời sống của người dân. Hiện nay, dấu ấn này tiếp tục được phát huy hiệu quả khi triển khai chương trình Xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên, do phạm vi nhỏ (trong xã) nên sức lan tỏa của chương trình chưa mạnh, không thể chế hóa được về lâu dài.
Hiện nay, KOICA tiếp tục hỗ trợ 2 chương trình Hạnh Phúc ở Lào Cai và Quảng Trị với quy mô lớn hơn. Để đảm bảo phát huy được hiệu quả của các dự án này, đòi hỏi sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền và người dân từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là tinh thần Saemaul Undong, để tạo điều kiện thuận lợi hình thành tổ chức cộng đồng, khơi dậy sức mạnh của ‘thủ lĩnh cơ sở’. Cần tạo ra tiếng nói chung giữa chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và mô hình Làng mới, để có thể áp dụng thử nghiệm các cơ chế đột phá theo tinh thần tự chủ sáng tạo, phân cấp trao quyền theo tinh thần Saemaul Undong.
Sự hỗ trợ tài chính và đặc biệt là kỹ thuật của các cơ quan phát triển như KOICA, Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP (do UNDP và ĐSQ Ai Len tài trợ) cũng như các đối tác phát triển khác, cộng với tinh thần học hỏi của cán bộ Việt Nam trong những năm qua đã từng bước giúp Việt Nam chuyển hóa các kinh nghiệm quốc tế trong đó có Phong trào Seamaul Undong vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn. Từ bài học thành công của các mô hình, dự án do các tổ chức phát triển hỗ trợ đã cho thấy các cách làm khác nhau theo tinh thần dân chủ cơ sở, huy động sức mạnh cộng đồng cần được tổng kết, đúc rút, phổ biến. Một triển vọng mới đang mở ra cho hoạt động giảm nghèo, phát triển nông thôn theo định hướng “lấy dân làm gốc, lấy cộng đồng làm chủ thể”.
So với nhiều quốc gia khác, kể cả Hàn Quốc, Việt Nam đã tạo nên sự thần kỳ trong phát triển nông nghiệp. Hoàn cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay thuận lợi hơn nhiều so với Hàn Quốc thập kỷ 1970. Nếu thực sự chúng ta mạnh dạn và kiên quyết đổi mới tư duy để thực hiện cam kết giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn như tinh thần Nghị quyết 80/CP về giảm nghèo bền vững và Nghị quyết trung ương 26 đó là “đưa nông dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển”, chắc chắn Việt Nam sẽ làm nên kỳ tích mới trong giảm nghèo và phát triển nông thôn. Để thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, chúng ta cần phải có giải pháp để phát huy tinh thần tự lực của ngươi dân, trong đó cốt lõi là thay đổi các chính sách của Nhà nước từ việc hỗ trợ bao cấp sang huy động nội lực của người dân là chủ yếu, hỗ trợ của Nhà nước chỉ là chất xúc tác.
Để phát huy được tinh thần tự lực của người dân, Nhà nước cần phải xử lý đồng bộ, nhất quán các vấn đề then chốt sau: Giảm hỗ trợ trực tiếp, cho không và tăng hỗ trợ cho vay; đầu tư hỗ trợ trọn gói trong thời gian trung hạn và dài hạn; chuyển từ Nhà nước chỉ đạo sang nhân dân thi hành, nhân dân làm chủ, Nhà nước hỗ trợ; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong việc giải trình, phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở, cộng đồng làm chủ; phát huy sáng kiến của người dân, tránh áp đặt từ trên; tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả đầu ra; xây dựng, đạo tào đội ngũ cán bộ thôn, bản; tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, gương điển hình tốt…

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll