Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội

12/12/2013 16:44

Ngày 12.12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động- Xã hội (Bộ Lao động- TBXH) đã tổ chức Hội thảo Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) và hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội (TGXH). Đây là Tiểu hợp phần của Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã tới dự và có bài phát biểu khai mạc.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, ở Việt Nam, hiện số lượng các chương trình TGXH và đối tượng bảo trợ xã hội đang tăng lên đáng kể. Một số chương trình TGXH hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đã và đang được triển khai thực hiện là Nghị định 67, Nghị định 13 về các chính sách trợ cấp xã hội (hiện được thay thế bởi Nghị định 136); Quyết dịnh 239 hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non... Ngoài ra, còn có các chương trình dự án giảm nghèo, TGXH do các tổ chức phát triển, phi Chính phủ tài trợ, các chương trình trợ giúp tiền mặt liên quan đến trẻ em nghèo.

Hiện tại, mỗi chương trình được quản lý độc lập bởi các bộ, ngành, cơ quan khác nhau và phần lớn dựa trên các danh sách được duy trì thủ công trên Excel tại các cấp địa phương, chưa có một chương trình nào xây dựng được một CSDL có quy mô toàn quốc hoàn chỉnh. Sự phân mảng, trùng lặp về thông tin đối tượng dẫn tới không có sự liên thông, chồng chéo giữa các chương trình. Nhiều hộ gia đình, cá nhân là đối tượng của nhiều chương trình khác nhau.

Mặt khác, về cơ chế chi trả, hiện nay, mỗi chương trình, chính sách sử dụng một kênh chi trả riêng do nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau thực hiện dẫn đến các bất cập như: Trong một tháng một hộ gia đình có thể phải đi lại nhiều lần để nhận các khoản hỗ trợ khác nhau; tiền chi trả trong nhiều trường hợp không kịp thời theo nhu cầu của đối tượng thụ hưởng; không tách bạch rõ giữa công tác xác định, quản lý đối tượng và công tác chi trả nên dẫn đến có những thất thoát; cán bộ cơ sở do phải thực hiện việc chi trả nên không dành được nhiều thời gian cho các nhiệm vụ chuyên môn.

Do vậy, việc xây dựng CSDL quốc gia về TGXH trên CSDL quốc gia về an sinh xã hội là thực sự cần thiết cho việc quản lý, điều hành, hoạch định chính sách đối với các lĩnh vực của Nhà nước. Đồng thời, có sự thống nhất về quản lý các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội nằm trong diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội như người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, người nghèo đơn thân...

Thứ trưởng hy vọng, các đại biểu tham dự hội thảo cần làm rõ nội hàm củ các vấn đề, cách thức phân công trách nhiệm của từng đơn vị, giúp cho Ban Chỉ đạo Đề án và tiết kiệm chi phí về tài chính cũng như nguồn nhân lực cho công tác chi trả.

Hiện nay, việc quản lý thông tin đối tượng BTXH gặp nhiều khó khăn, có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành

Việc xây dựng CSDL quốc gia được thực hiện nhằm quản lý thông tin của các nhóm dân cư dễ tổn thương nhất, bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, hộ sinh sống trong các vùn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn và các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội. Trên nền tảng này, một hệ thống thông tin quản lý (MIS) phù hợp sẽ được xây dựng với chức năng tích hợp và quản lý dữ liệu phục vụ linh hoạt cho các cấp quản lý và các ngành khác nhau. Toàn bộ hệ thống này (bao gồm CSDL quốc gia và hệ thống MIS) gọi tắt là POSASoft để thực hiện mục tiêu Xây dựng Đề án CSDL quốc gia về an sinh xã hội. POSASoft được thiết kế với nhiều modul chức năng, được tích hợp sẵn và tổ chức tiếp tục bổ sung với các chức năng nghiệp vụ chính như: quản lý, giám sát đối tượng; hỗ trợ chi trả; quản lý khiếu nại và phản hồi; quản lý cộng tác viên; hoạch định chính sách; chia sẻ thông tin...

Phạm vi hoạt động của CSDL quốc gia gòm 6 loại đối tượng là: Hộ nghèo và cận nghèo; đối tượng hưởng lợi của Nghị định 136 (Nghị định 67/13 cũ); đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/74; đối tượng hưởng lợi của Quyết định 12; đối tượng bổ sung của chương trình "Tạo cơ hội" và các cộng tác viên thôn, bản. Trước mắt, CSDL quốc gia được thí điểm xây dựng tại 4 tỉnh, có phạm vi lưu trữ trên 500.000 bản ghi hộ gia đình là Hà Giang, Lầm Đồng, Quảng Nam và Trà Vinh. Sau năm 2015, cùng với kết quả của Tổng điều tra hộ nghèo 2015 và kết quả rà soát đối tượng bảo trợ xã hội của các tỉnh, CSDL sẽ được mở rộng trên toàn quốc với độ bao phủ thông tin của khoảng 6,3 triệu hộ gia đình.

Ở cấp trung ương, CSDL được cài đặt và quản trị tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Lao động- TBXH (Trung tâm Thông tin) với mục tiêu đảm bảo cao nhất mức độ tin cậy, tính sẵn sàng của dữ liệu và cũng đảm bảo khả năng phục vụ việc kết nối của người sử dụng để truyền dữ liệu. Cơ Đối với cáp tỉnh, khai thác kết nối Internet sẵn có, thiết lập kênh mã hóa truy cập đến hệ thống ứng dụng trung ương sử dụng ứng dụng client. Một tỉnh có một bản sao CSDL phục vụ các mục đích riêng của địa phương.

Được biết, hiện ở nước ta, các phần mềm liên quan trực tiếp tới lĩnh vực TGXH đã được triển khai gồm phần mềm PoSoft phục vụ cho chương trình giảm nghèo và phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136 (trước đây là Nghị định 67, 13). Trong đó, phần mềm PoSoft cho Văn phòng Giảm nghèo được xây dựng nhằm hỗ trợ công tác điều tra, rà soát và quản lý hộ nghèo tại các cấp địa phương, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương và cả nước. Phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội do Trung tâm Thông tin xây dựng, có kiến trúc tương tự như PoSoft và đã được triển khai tại một số địa phương, song chưa có CSDL được cập nhật lên. Phần mềm hiện tại quản lý đầy đủ các tiêu chí thông tin nghiệp vụ nên không đáp ứng được các yêu cầu báo cáo. Do vậy, tính phổ cập phần mềm bị hạn chế và các tỉnh hiện đang sử sụng biểu mẫu Excel để duy trì dữ liệu và tạo báo cáo thay cho phần mềm.

Thu Hương

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll