'Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi'

18/01/2017 16:56

“Thực tế, có nhiều em có bằng cử nhân, thạc sĩ nhưng phải giấu đi để xin vào làm công nhân. Vì nếu chìa bằng này ra thì xấu hổ, họ không nhận”.

'Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi'

Đó là một thực trạng mà Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung dẫn ra tại buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng ngày 15/12.

Đà Nẵng phải rộng cửa đón nhân tài

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu Đà Nẵng phải mở rộng cửa hơn nữa để đón nhân tài. Thực hiện thu hút người tài, các doanh nghiệp Việt Nam , các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và làm việc.

“Đặc biệt là xây dựng kế hoạch mang tính chất chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đà Nẵng phải có bước đột phá mạnh về nhân lực chất lượng cao”.

Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trình Thủ tướng phương án liên thông đào tạo tiến sĩ nghề. Ảnh: An Nguyên

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị địa phương này phải coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động. Cụ thể, Đà Nẵng sớm chủ động và mạnh dạn hơn trong phân luồng người học nghề.

Phân luồng học nghề ở Đà Nẵng phải gắn với hai chuyện. Thứ nhất là phải chú trọng đến dự báo thị trường lao động. Từ các dự báo này rồi thì mới tính phân luồng.

“Tôi đề nghị phân luồng mạnh ngay từ cấp 2. Để phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 30% học sinh phổ thông cơ sở không học lên cấp 3 mà học vào Trung cấp nghề ” ông Dung nói.

Bộ trưởng cũng dẫn ra một thực tế: “nhiều em có bằng cử nhân, thạc sĩ nhưng giấu đi, quay trở lại học nghề. Người ta gọi đó là “học lùi”. Vì nếu đưa bằng cấp ra anh xấu hổ mà thực ra doanh nghiệp nó cũng không nhận”.

Bộ trưởng giải thích thêm, bây giờ doanh nghiệp đều ký kết với các Trường nghề nên không nhận những em có bằng đại học. Vì như thế phải lo lương cao, lo các chi phí này nọ mà lại không đúng nghành nghề họ đào tạo.

“Chỉ có phân luồng thì nó mới khắc phục được tình trạng học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm” Bộ trưởng cho biết.

Có thể liên thông từ trung cấp lên thạc sĩ, tiến sĩ nghề

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải phấn đấu để đào tạo những thạc sĩ và tiến sĩ nghề.

“Tôi từng đi nhiều nước, họ theo con đường học nghề là chủ yếu, có người còn học lên thạc sĩ, tiến sĩ nghề chứ không phải cứ là tiến sĩ hàn lâm như bên ta. Như Nhật Bản chẳng hạn, sinh viên vào Trung cấp nghề và đi một mạch suốt đời với nghề đó” ông nói.

Còn ở ta, đào tạo xong đại học là cứ vớ cái gì làm cái đó, “thực cẩm” toàn quốc.

“Trong quý I này, tôi với anh Nhạ (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ) sẽ trình Thủ tướng phương án liên thông. Tức là cho các em học trung cấp nghề được liên thông học lên cao đẳng rồi lên đại học và thạc sĩ, tiến sĩ nghề. Từ trước đến giờ cấm đoán cái đó, giờ mình bỏ đi” ông Dung chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải gắn chặt đào tạo nghề với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia từ đầu trong quá trình đào tạo nghề.

Cụ thể như Trường nghề Dung Quất (Quảng Ngãi) đào tạo một năm cỡ 3.000 sinh viên. Tất cả số học ra hay vừa vào nhập học là doanh nghiệp vào đặt hàng ngay.

“Hàng tuần, doanh nghiệp vào giảng dạy, sau đó đi thực tập tại doanh nghiệp đó luôn. Như vậy, trong quá trình đào tạo 2-3 năm như thế, doanh nghiệp thấy anh này khá, làm được việc thì ra trường là nhận về làm ngày, có thể làm quản lý” ông Dung thông tin.

Có những học sinh nghèo vào học nghề không tốn một xu nào mà chưa ra trường đã có nơi nhận về làm việc rồi. Đi thực tập cũng đã có lương. Trường Dung Quất thì 92% sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Trường nghề Đà Nẵng cũng phải phát triển theo mô hình này. “ Chúng ta không thể đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất , muốn đi đâu thì đi. Đề nghị phải có bước đột phá”.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất Bộ hỗ trợ đầu tư, xây dựng Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng lên chuẩn quốc tế.

“Mặc dù Trường bị khống chế bởi quy định do địa phương quản lý nhưng mong Bộ quan tâm, hỗ trợ. Vì Trường này không chỉ đào tạo nghề cho thành phố mà cả khu vực miền Trung” ông Thơ nói.

An Nguyên

;
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll