Hội thảo góp ý Đề cương chi tiết Luật Nghề Công tác xã hội

01/02/2018 13:48

Chiều ngày 24/1/2018, tại Trụ sở Bộ, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức Hội thảo xây dựng Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã tới dự và chỉ đạo Hội thảo. Tới dự Hội thảo còn có Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Phạm Trí Thức, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội, các chuyên gia thuộc các Bộ, ban, ngành và tổ chức quốc tế liên quan, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và thành viên tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật Nghề CTXH.

Hội thảo góp ý Đề cương chi tiết Luật Nghề Công tác xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh CTXH rất quan trọng và là 1 trong những mảng chính của ngành lao động, người có công và xã hội. Đây là một lĩnh vực quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân ở nước ta. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, được quy định tản mạn ở nhiều Nghị định, Luật chuyên ngành; nhiều nội dung về công tác xã hội chưa được quy định. Do đó, cần thiết phải có Luật Nghề Công tác xã hội để bảo đảm tính thống nhất và tránh chồng chéo với các Luật liên quan. Thứ trưởng cho biết thêm Việt Nam là quốc gia có dân số vàng, tuy nhiên đối tượng hưởng chính sách xã hội rất đông như 10 triệu người cao tuổi,  gần 8 triệu người khuyết tật và 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Có thể nói, đây là số lượng điều chỉnh rất lớn, chính vì vậy nhu cầu hoàn thiện xây dựng pháp luật trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Cục BTXH đã tham mưu, trình Bộ LĐ-TBXH xem xét tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật trong lĩnh vực này.  Hiện nay, dự thảo luật xác định tên Luật là Luật Nghề công tác xã hội, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu dự thảo Luật trong tổng thể và cần xác định phạm vi điều chỉnh để có cách tiếp cận phù hợp...

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của các đề xuất chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nghề CTXH. Hiện nay, có một số luật cũng đã đề cập tới công tác bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội nhưng chưa quy định cụ thể về công tác xã hội. Do đó, cần thiết phải có một đạo luật về hoạt động nghề nghiệp CTXH nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.  

Tại Hội thảo, Bà Lê Hồng Loan – Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em của UNICEF giới thiệu một số kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý nghề CTXH. Theo đó, ở nhiều quốc gia, Luật Khung tạo ra cơ chế pháp lý hành nghề cho nhân viên CTXH. Có hai dạng cơ chế: Cấp đăng ký hoạt động, cấp giấy phép thực hành. Một số quốc gia có sự kết hợp cả hai cơ chế trên khi vừa phải đăng ký hoạt động và phải có giấy phép thực hành. Một số quốc gia có luật về nghề CTXH: Canada; Nhật Bản, New Zealand; Nam Phi; Hàn Quốc; Phillipines; Anh ; Mỹ 

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày dự thảo đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH gồm có 7 Chương, 94 Điều.

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực đối với công tác xây dựng đề cương chi tiết của Dự thảo Luật Nghề CTXH. Các đại biểu đều đánh giá cao những  tâm huyết và công phu của tổ soạn thảo; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật để thực hiện Hiến pháp năm 2013 về quyền an sinh xã hội của công dân... Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh Luật này cũng liên quan tới rất nhiều Luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật trẻ em, Luật Người khuyêt tật. Do đó, Tổ soạn thảo cần phải rà soát tất cả các Luật liên quan để tránh chống chéo trùng lặp, không quy định lại các quy định mà các văn bản luật khác đã quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu góp ý dự thảo Luật Nghề CTXH

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, hiện nay hoạt động nghề nghiệp, cung cấp các dịch vụ CTXH cho các nhóm đối tượng yếu thế của các nhân viên CTXH gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế do chưa được quy định trong Luật. Việt Nam đang thiếu một hành lang pháp lý toàn diện đủ mạnh ở tầm Luật quy định về CTXH, trong khi các văn bản quy định về vấn đề này còn rời rạc, tản mạn. Do đó, cần thiết phải có Luật về nghề CTXH. Những vấn đề này sẽ được nêu chi tiết trong báo cáo tác động.  Đồng thời thay mặt Tổ soạn thảo, ông Nguyễn Văn Hồi xin tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tại Hội thảo để sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý xây dựng Luật Nghề CTXH.

Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi ghi nhận các ý kiến đóng góp cho Đề cương chi tiết Luật nghề CTXH

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng những người làm công tác xã hội đã rất trăn trở, mong muốn luật hóa các hoạt động nghề nghiệp CTXH. Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong nước và kinh nghiệm đi trước của các nước, ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Thứ trưởng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đây sẽ là những ý kiến giúp định hướng xây dựng dự thảo Luật Nghề CTXH phù hợp, khả thi. Thứ trưởng đánh giá cao và tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự chủ động của Cục Bảo trợ xã hội khi đã phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, xây dựng dự thảo.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị bộ phận soạn thảo cần thảo luận kỹ, xem những văn bản pháp luật nào đã làm và đã ban hành vừa qua để học hỏi và tuân thủ các quy trình, quy định khi làm Luật...  Đồng thời, quán triệt nguyên tắc xã hội hóa, rà soát lại để chỉ quy định khung điều kiện tiêu chuẩn không quy định chi tiết quá nhiều. Thứ trưởng cũng mong muốn sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành có liên quan khi tiến hành chuẩn bị dự thảo được kỹ lưỡng ngay từ những bước đầu tiên. Ban soạn thảo cần tập trung nghiên cứu, làm rõ các nhóm chính sách chính của Luật nghề CTXH gồm: (i) Xây dựng đội ngũ người làm công tác xã hội chuyên nghiệp; (ii) xác định các lĩnh vực, hình thức, nội dung hoạt động công tác xã hội; (iii) thiết lập, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội; (iv) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công tác xã hội.

Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH

;
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll