Hơn 100.000 người là nạn nhân của bom, mìn, vật nổ

04/05/2017 11:58

Đó là thông tin đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam Còn khoảng 800.000 tấn bom mìn, đạn sót lại sau chiến tranh

Hơn 100.000 người là nạn nhân của bom, mìn, vật nổ

Phát biểu tại buổi họp báo, Ông Tô Đức, Phó Cục Trưởng - Cục BTXH cho biết: 

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương. Chỉ tính riêng số bom mìn, vật nổ do quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15 triệu 350 nghìn tấn (trong đó có 7 triệu 850 nghìn tấn thả từ máy bay và 7 triệu 5 trăm nghìn tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%).

Ông Tô Đức phát biểu tại cuộc họp báo

Ông Lưu Hồng Sơn phát biểu tại cuộc họp báo

Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu tấn bom mìn, giải phóng hàng trăn ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

 Thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504), đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng làm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, để thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình với mục tiêu cơ bản là: “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,  bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng và xã hội”.

Giai đoạn 2010 - 2015: Chương trình 504 đã tiến hành điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; thiết lập Trung tâm quản lý dữ liệu để tổng hợp quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và hướng khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Giai đoạn 2016 - 2025: Chính phủ đặt ra mục tiêu rà phá, làm sạch khoảng 800 nghìn ha đất bị ô nhiễm bom mìn; huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện Chương trình; thực hiện tái định cư cho người dân vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng; đưa các dự án khắc phục hậu quả bom mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương....

Thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

Mặc dù công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh trong những năm qua ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi nỗ lực, chung tay góp sức của toàn xã hội. Việc hình thành một tổ chức xã hội có thể tập hợp và huy động được nguồn lực trong nước và quốc tế, đã thành một nhu cầu cấp thiết, cũng là nguyên vọng của nhiều cá nhân có tấm lòng thiện nguyện, muốn tập hợp lại thành một tổ chức hoạt động có hiệu quả hơn trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Ngày 11/9/2014, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 949/QĐ - BNV cho phép thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Trong 02 ngày 11 và 12/11/2014,  Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan. Đại hội đã  ra mắt Ban Chấp hành gồm 39 thành viên, công bố các ban hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và bầu Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam làm Chủ tịch Hội. Mục đích hoạt động của Hội là: “Tập hợp, đoàn kết các hội viên, kết nối các tổ chức trong nước và quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển      kinh tế - xã hội của đất nước”

Nỗ lực rà phá bom mìn, làm sạch môi trường

Bằng nguồn tài trợ quốc tế, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC)  năm 2016  đã thực hiện thành công dự án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin hành động khắc phục bom mìn tại Việt Nam”.

Dự án Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại một số địa phương của tỉnh Quảng Trị” có giá trị gần 1,5 triệu USD, đã rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ là trên tổng diện tích 690 ha với độ sâu 5m tính từ mặt đất hiện tại trở xuống đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị. Tổng số bom mìn, vật nổ đã thu gom và xử lý từ dự án là: 1645 quả, trong đó có khiều loại bom mìn rất nguy hiểm như các loại bom bi, bom cam, đạn M79, bom MK-82, đạn xuyên, đạn cối, đạn phốt pho, đạn chất độc.

Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), có tổng kinh phí 4 triệu USD do VBMAC thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017, rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ trên  tổng diện tích 2550 ha đất bị ô nhiễm. Đến nay, đã rà phá làm sạch được 905 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, thu gom được hàng trăm quả bom mìn, vật nổ các loại trong đó có một số quả bom cỡ lớn như bom MK 84, khối lượng 900 kg, bom M117 khối lượng 337 kg, bom MK82 khối lượng 226 kg, bom bi, đạn pháo, đạn cối...

Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bom mìn

Trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội  thể hiện trong: Bộ luật Lao động; Luật Người khuyết tật; Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền lợi tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật.

Hợp tác quốc tế rà phá bom mìn, vật liệu nổ

Nhằm đẩy nhanh việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, từ những năm 1990, lĩnh vực hợp tác quốc tế với các chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ (NGOs) trên thế giới đã được chú trọng. Các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã được thiết lập với các đối tác đa phương như : Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ( UNICEF),; các đối tác song phương Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nauy và các tổ chức NGOs: như : IC (The International Center); Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA); Peace Tree (Tổ chức Cây hòa bình); MAG (Mine Advisory Group-Nhóm Cố vấn bom mìn của Anh),…. các Đại sứ quán Mỹ, Anh, Đức, Ai-len, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…Với mục đích tăng cường quan hệ đối tác, cập nhật thông tin về các hoạt động truyền thông, các mô hình hỗ trợ nạn nhân bom mìn, các hoạt động thu thập cơ sở dữ liệu, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, phục hồi chức năng tại cộng đồng.

          Mới đây,Trung tâm Hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư thành lập Nhóm Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn (nhóm MAPG). Đây là sáng kiến của Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy nhanh các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025

Mục tiêu tổng quát: Tập trung huy động, tổ chức quản lý và sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên mọi nguồn lực quốc gia và quốc tế nhằm thu hẹp diện tích ô nhiễm bom mìn, khắc phục cơ  bản sự tác động và hậu quả của bom mìn sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ có hiệu quả nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế Việt Nam đã tham gia ký kết.

Nhiệm vụ cụ thể:

Tổ chức triển khai hoàn chỉnh xây dựng, ban hành các văn bản: Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Triển khai thành lập, đưa Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia và các chi nhánh cấp vùng, tại một số tỉnh đi vào hoạt động theo đúng chức năng.

Đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến ký kết triển khai tài trợ quốc tế từ các Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cá nhân người nước ngoài, cá nhân tổ chức trong nước hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Triển khai thực hiện công tác rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế, ưu tiên các địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn cao tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các khu vực biên giới phía Bắc, Tây Nam với diện tích khoảng 200.000 ha.

Xây dựng, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn: hoàn thiện Hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu nạn nhân bom mìn toàn quốc; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho khoảng 1.000 nạn nhân bom mìn; hỗ trợ sinh kế học nghề cho khoảng 500 nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng.

Bổ sung trang thiết bị nâng cấp 01 Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng khu vực và khoảng 50 trạm y tế cấp xã để phục vụ cứu chữa kịp thời nạn nhân bom mìn tại các địa phương bị ô nhiễm nặng và hay xảy ra tai nạn bom mìn.

Tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn: Hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn trợ giúp nạn nhân bom mìn với tối thiểu 10 Trung tâm Công tác xã hội, gồm: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội: Tư  vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, quản lý trường hợp; Hỗ trợ trang thiết bị: đường dây tư vấn, máy tính, cabin...

Tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho nạn nhân bom mìn; Hỗ trợ đào tạo nghề cho nạn nhân bom mìn phù hợp với năng lực đặc điểm thể chất và nhu cầu của thị trường lao động (những nghề lựa chọn như nuôi ong lấy mật, đan, may dân dụng, thêu, in quảng cáo...); Hỗ trợ nạn nhân bom mìn tìm kiếm việc làm phù hợp tại nơi cư trú sau khi đã tốt nghiệp khóa học....


;

kartal escortgebze escort

Scroll