Trung tâm CTXH Quảng Ninh: Mô hình can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí hiệu quả

29/12/2016 15:13

Thuật ngữ “rối nhiễu tâm trí” (RNTT) ngày càng trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện đại. Đặc biệt đối với trẻ em, nếu không được phát hiện sớm để có biện pháp kiểm soát, điều trị kịp thời sẽ gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các em.

Trung tâm CTXH Quảng Ninh: Mô hình can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí hiệu quả

Ông Đỗ Anh Hòa, Trưởng phòng Can thiệp - Hỗ trợ của Trung tâm.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 264.000 trẻ em trong độ tuổi từ 0-16. Từ năm 2011 trở về trước, trên địa bàn tỉnh chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nào về thực trạng hội chứng RNTT của trẻ em cũng như biện pháp can thiệp, hỗ trợ. Sự ra đời của Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 cùng các Đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010- 2020 và Đề án Trợ giúp và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, RNTT đã tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc trẻ em, trong đó có trẻ tự kỷ, RNTT. 

Kết quả bước đầu của đề tài nghiên cứu về RNTT trẻ em

Theo ông Đỗ Anh Hòa, Trưởng phòng Can thiệp - Hỗ trợ (Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh): RNTT được dùng để chỉ trạng thái lệch lạc về sức khỏe tâm trí trong một thời gian đủ dài không thể trở về bình thường, đòi hỏi cần có sự can thiệp chuyên môn để tránh rối nhiễu nặng dần, dẫn đến tổn thương tâm thần, khó hồi phục. RNTT ở trẻ em có những biểu hiện bất thường ở trẻ ngay từ những năm đầu đời như: Quấy khóc thường xuyên, biếng ăn, bám mẹ, chậm nói… Ở lứa tuổi học đường, RNTT là nguyên nhân chính làm giảm sút chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ bỏ học, bạo lực học đường và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tự tử trong học sinh. Nếu không được điều trị thích hợp và hỗ trợ kịp thời sẽ khiến cho đời sống tình cảm và quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn, tình trạng càng thêm trầm trọng, bệnh nhân dần bị tách hẳn ra khỏi cuộc sống đời thường, một bộ phận sẽ tìm đến cái chết. Bởi vậy, phòng chống RNTT ở trẻ là rất cần thiết, nếu can thiệp kịp thời, đúng cách sẽ giúp người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường một cách nhanh chóng.

Để điều trị cho trẻ RNTT, năm 2012, Trung tâm đã thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu hội chứng RNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, đặc biệt là việc thực hiện mô hình Phòng khám phát triển toàn diện và tâm lý trị liệu trẻ em RNTT tại Trung tâm. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh thẩm định, nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Với việc triển khai thành công Đề tài, năm 2014, Trung tâm đã khám sàng lọc cho trên 3.600 trẻ có độ tuổi từ 2-6 trong toàn tỉnh để đánh giá thực trạng RNTT, qua đó, tiến hành sàng lọc cho 200 trẻ mắc RNTT. Sau khi xác định các mảng chậm phát triển của từng trẻ, cán bộ Trung tâm đã cùng với chuyên gia xây dựng kế hoạch và phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp. Trung tâm đã thực hiện trị liệu không dùng thuốc đối với 30 trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ. Với 170 trẻ có điểm số rơi vào ngưỡng mắc RNTT còn lại đã được tư vấn, hỗ trợ tâm lý tại điểm tư vấn, nhằm giúp các em tự tin, sớm hòa nhập cộng đồng. Hoạt động trị liệu bao gồm các buổi trị liệu thông qua quá trình tư vấn, vui chơi với trẻ tại phòng tư vấn và các đợt nhân viên CTXH đến trực tiếp tại gia đình để tiến hành hỗ trợ trị liệu can thiệp tại cộng đồng. Sau một thời gian áp dụng các kỹ năng trị liệu tâm lý với 30 trẻ em RNTT cho thấy trẻ đã có những chuyển biến theo hướng tích cực về việc giao tiếp, tiếp nhận thông tin từ người khác, vận động và phát triển cảm xúc, biết vui cười với mọi người... Có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng trong hoạt động trị liệu cho trẻ RNTT, hơn nữa, những kết quả tích cực trong quá trình triển khai Đề tài này là cơ sở để tham mưu, đề xuất đưa ra các chính sách, các hoạt động can thiệp, trị liệu cho trẻ em RNTT. 

Cán bộ trung tâm đang tư vấn, khám sàng lọc RNTT cho trẻ em.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về RNTT ở trẻ

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2015, Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch thực hiện hoạt động mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ RNTT và khám sàng lọc, can thiệp cho người bệnh trầm cảm tại cộng đồng. Mục đích là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cộng đồng dân cư về vấn đề RNTT của trẻ em, vấn đề trầm cảm tại cộng đồng, mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT. Đồng thời, tổ chức khám sàng lọc phát hiện RNTT cho 100 trẻ trên địa bàn tỉnh và tư vấn, hướng dẫn kỹ năng trị liệu RNTT cho gia đình các em; trị liệu tâm lý, can thiệp cho 15 trẻ RNTT. Để thực hiện mô hình, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm phối hợp với Phòng Tham vấn gia đình và trẻ em Vala (Trung ương Hội Khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam) tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cán bộ, nhân viên tham gia mô hình các kỹ năng sử dụng các mẫu phiếu sàng lọc, Test đánh giá để sàng lọc, phát hiện trẻ em có vấn đề về RNTT; đánh giá sâu các vấn đề trẻ gặp phải; xây dựng kế hoạch trị liệu và tiến hành can thiệp, trị liệu cho trẻ RNTT tại Trung tâm và gia đình theo lịch hàng tuần. 

Đợt 1, Trung tâm tổ chức khám sàng lọc RNTT và lập hồ sơ quản lý cho 30 trẻ có nguy cơ RNTT và đợt 2 là 70 em. Trên cơ sở đó sẽ lập kế hoạch và tổ chức trị liệu tâm lý cho 15 trẻ bị RNTT, với thời gian 3 buổi/tuần, mỗi buổi 01 giờ, trong khoảng 2- 6 tháng, tùy theo từng vấn đề và mức độ bệnh mà trẻ gặp phải. Đồng thời, sau mỗi buổi trị liệu sẽ tiến hành tư vấn về các kỹ năng can thiệp, hướng dẫn chi tiết các  bài tập luyện cho trẻ ở nhà cho gia đình trẻ để cùng phối hợp cải thiện tình trang bệnh của các em. Hằng tháng, Trung tâm cũng cử nhân viên trực tiếp xuống gia đình trẻ để lượng giá kết quả trị liệu cũng như mức độ tiến triển của trẻ. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ RNTT cho cha mẹ, người nuôi dưỡng. Để tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất cần sự chung tay, hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống RNTT ở trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Có như vậy, tỷ lệ mắc rối nhiễu ở trẻ mới nhanh giảm và giúp các em đã mắc bệnh sớm hòa nhập với cộng đồng.

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll