Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chỉ đạo nhiệm vụ công tác bảo trợ xã hội năm 2017

09/01/2017 15:40

(LĐXH) Ngày 30/12, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chỉ đạo nhiệm vụ công tác bảo trợ xã hội năm 2017

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong năm 2016, mặc dù nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, lĩnh vực bảo trợ xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2016, Cục Bảo trợ xã hội được giao nhiệm vụ xã dựng 06 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 02 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư. Đến nay, Cục đã trình cấp có thẩm quyền xem xét 02 Nghị định, 03 Quyết định, trong đó Chính phủ đã ban hành 01 Nghị định và đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ 01 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định và đang xem xét ban hành 01 Quyết định. Riêng Thông tư hướng dẫn về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện đang được hoàn thiện. Công tác xây dựng, ban hành văn bản đã đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của Bộ, phù hợp với tình hình mới. Quy trình xây dựng văn bản thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tác động tích cực đến tình hình kinh tế, xã hội và công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Cục trưởng Cục BTXH Nguyễn Văn Hồi tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu
Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội cũng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội đột xuất, các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực của ngành như: Quy định trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng, nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ giáo dục cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi và các đối tượng bảo trợ xã hội khác theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Đề án trợ giúp người khuyết tật. Hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia trở về Việt Nam.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch TW Hội Người cao tuổi Việt Nam
Kết quả, về trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, tính đến ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho nhân dân 25 tỉnh với tổng số 67.061 tấn gạo để cứu đói cho trên 3,4 triệu người, trong đó cứu đói Tết 17.177 tấn gạo, cứu đói giáp hạt 17.489 tấn gạo, cứu đói khắc phục hậu quả thiên tai 19.675 tấn gạo, cứu đói do hải sản chết 12.718 tấn gạo.
Về thực hiện trợ cấp xã hội, thực hiện Nghị quyết số 101/2015/QH13 ngày 14/11/2015 của Quốc hội khóa XII về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 28/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó có nội dung bố trí ngân sách thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho toàn bộ đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã  ban hành Thông tư liên tịch số 06/2016/NĐ-CP ngày 12/5/2016, tổ chức tập huấn hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP từ ngày 01/01/2016. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện mức trợ cấp cho đối tượng bằng hoặc cao hơn mức quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC, bảo đảm đời sống cho gần 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 37.348 trẻ em mồ côi, 88.594 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1,495 triệu người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, 90 ngàn người cao tuổi cô đơn, không nguồn nuôi dưỡng, 896.644 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 69.257 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc tại cộng đồng, 8.185 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo. Kinh phí chi trợ giúp xã hội gần 15.000 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam

Về chuyển đổi phương thức chi trả chế độ trợ cấp xã hội, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước có 44 tỉnh đã chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện cho  1,64 triệu đối tượng, với số tiền chi trả một tháng 522,577 tỷ đồng. Có 3 tỉnh dự kiến tháng 12 thực hiện chi trả qua bưu điện.
Cùng với đó, các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay, cả nước có 1,585 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có hơn 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, các địa phương, các tổ chức của người khuyết tật đã triển khai các hoạt động tuyên truyền; hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trợ giúp pháp lý, tiếp cận văn hóa, giao thông, công trình công cộng cho người khuyết tật… Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho 266.639 người khuyết tật đặc biệt nặng, 634.567 người khuyết tật nặng và 543.126 người khuyết tật nhẹ. Trên cơ sở đó, các địa phương đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 896 ngàn người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.
Thực hiện Đề án 32, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc trợ giúp đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội; quản lý trường hợp. Năm 2016, đã tổ chức các khóa đào tạo giảng viên dạy nghề công tác xã hội khóa V tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý công tác xã hội cấp cao cho đội ngũ cán bộ của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cán bộ lãnh đạo các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội và các loại hình cơ sở khác của ngành…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao tinh thần nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ năm 2016 của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức Cục Bảo trợ xã hội trên các mặt công tác như: Hệ thống luật pháp chính sách hoàn thiện, đổi mới tiếp cận theo quyền; Hệ thống cơ sở, trung tâp cung cấp dịch vụ xã hội tiếp tục được phát triển, củng cố hoạt động, tăng cường hiệu quả; đội ngũ cán bộ lĩnh vực trợ giúp xã hội được đào tạo tăng về số lượng và chất lượng, góp phần truyền tải những chính sách tới địa phương, cơ sở; Đảm bảo đời sống cho người dân trong mọi hoàn cảnh, hỗ trợ kịp thời hậu quả thiên tai, ổn định tình hình chính trị xã hội; phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, đơn vị trong Bộ, tăng cường gắn bó với các tổ chức hội.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng chỉ đạo trong năm 2017, Cục Bảo trợ xã hội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế chính sách, mà trước hết là phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi, các tổ chức hội của người khuyết tật đánh giá 2 Luật Người cao tuổi và Người khuyết tật để phát hiện, thống nhất những vấn đề cần đưa vào chương trình sửa đổi; Chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án đổi mới chính sách trợ giúp xã hội khi được phê duyệt; Hoàn thiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin; Xây dựng khung giá dịch vụ công tác xã hội; Triển khai một số mô hình thí điểm đặt hàng đào tạo nghề, sinh kế, can thiệp sớm cho người khuyết tật; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nghề Công tác xã hội; Chủ trì phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các địa phương đánh giá lại hệ thống cộng tác viên ở cấp xã, phường; Chủ động hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác trợ giúp đột xuất, ứng phó với biến đổi thiên tai; Chỉ đạo các địa phương tổng rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài công lập; cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho các nhóm đối tượng không thuộc diện khuyết tật nặng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Nghề CTXH…
  Hồng Phượng

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll