Thái Nguyên: Tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ Nhất

22/03/2017 12:43

(LĐXH) Ngày 21/3, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ Nhất.

Thái Nguyên: Tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ Nhất

Tham dự buổi lễ, có ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - TBXH; các Sở,  ban, ngành của tỉnh như Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ... cùng đại diện một số bệnh viện, hội có thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực CTXH.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm

Mục tiêu của Lễ kỷ niệm là nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Đọc diễn văn khai mạc tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại. Nghề CTXH góp phần trợ giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng và các hệ thống chính sách nhằm giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với con người và nâng cao chất lượng an sinh xã hội. CTXH là một nghề mới ở Việt Nam, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mọi người còn lạ lẫm với tên gọi của nghề. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, nghề CTXH đã được công nhận là một nghề chuyên nghiệp với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội. Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, chính thức công nhận Công tác xã hội là một nghề. Đề án là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự cần thiết của Nghề Công tác xã hội, tạo môi trường thuận lợi để nghề Công tác xã hội phát triển tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội.

Với những kết quả đạt được trong 6 năm qua, Trung tâm CTXH tỉnh đã từng bước khẳng định được vai trò điều phối, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người dân trên địa bàn

Sau khi Đề án phát triển nghề Công tác xã hội được ban hành, ngày 12/5/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 1190/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm CTXH Trẻ em tỉnh Thái Nguyên, với chức năng nhiệm vụ cung cấp và kết nối các dịch vụ xã hội nhằm trợ giúp cho trẻ em. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, ngày 01/04/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 628/QĐ-UBND đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em tỉnh Thái Nguyên thành Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên .

Trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động- TBXH; UBND tỉnh; Cục Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - TBXH tỉnh Thái Nguyên cùngi sự tâm huyết, nỗ lực cao của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm CTXH, hoạt động cung cấp dịch vụ Công tác xã hội đã dần đáp ứng được nhu cầu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng khó khăn yếu thế trên địa bàn tỉnh ở các khía cạnh:

- Công tác tổ chức bộ máy cán bộ xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và vai trò trợ giúp xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh có 4 phòng chức năng: Hành chính – Tổng hợp, Can thiệp và Hỗ trợ, Truyền thông – Đào tạo, Phát triển cộng đồng với số cán bộ công chức, viên chức, nhân viên Công tác xã hội chuyên nghiệp là 16 người. Nguồn nhân lực hoạt động Cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm có trình độ cao, 100% có trình độ đại học và trên đại học và phần lớn là được đào tạo bài bản về chuyên ngành Công tác xã hội.
  - Phát triển quy mô các loại hình dịch vụ Công tác xã hội và đối tượng phục vụ với tốc độ rất nhanh. Từ chỗ buổi đầu chỉ cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội cho đối tượng chính là trẻ có HCĐB và có nguy cơ rơi vào HCĐB thì hiện nay các loại hình dịch vụ Công tác xã hội của Trung tâm đã rất phong phú đa dạng và đã mở rộng đối tượng phục vụ là toàn bộ đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Các loại hình dịch vụ xã hội có thể kể đến như: Can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho những trường hợp bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bỏ rơi, lang thang. Tính đến nay, Trung tâm đã can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho 115 trường hợp và can thiệp, hỗ trợ và kết nối dịch vụ trợ giúp trực tiếp 3.500 trường hợp khuyết tật, người nghiện, nhiễm HIV, người bị rối loạn tâm thần, người cao tuổi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, yếu thế… Cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn gián tiếp cho gần 15.000 trường hợp và trực tiếp cho trên 6.800 trường hợp; trị liệu tâm lý; giáo dục trị liệu trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển; dạy kỹ năng sống, dạy sáng tạo. Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; đào tạo cho đội ngũ cộng tác viên CTXH cấp xã/phường; thực hiện các mô hình phát triển cộng đồng… Có thể nói, dịch vụ công tác xã hội đã cung cấp được cho mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng khó khăn yếu thế trên địa bàn tỉnh và đã đáp ứng tốt nhu cầu của họ.

Điển hình là trường hợp cháu Mạch Thị Thu Ngân sinh năm 2008, cư trú tại Xóm Làng Dạ, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa. Do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên cháu được mẹ đẻ cho đi làm con nuôi gia đình bà Hồng tại Phường Cam Giá – thành phố Thái Nguyên. Trong thời gian làm con nuôi, cháu thường xuyên bị mẹ nuôi bạo hành, bỏ đói, đánh mắng, không cho đi học và bắt làm việc nặng nhọc. Một lần cháu bị mẹ nuôi đánh gãy xương chân. Ngay sau khi nhận được thông tin, nhân viên công tác xã hội tiếp cận gia đình và địa phương tìm hiểu, xác minh sự việc, đánh giá nguy cơ, hỗ trợ chăm sóc y tế, tham vấn và trị liệu ổn định tâm lý, kết nối, điều phối các hoạt động với các cơ quan chức năng, trường học, làng trẻ SOS để giúp cháu được học tập, chăm sóc, nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn, phát triển bình đẳng như bao trẻ em khác.

Các đại biểu tham dự Phiên Tọa đàm với chủ đề "Nghề thầm lặng"

- Chất lượng các dịch vụ Công tác xã hội ngày càng nâng cao. Có thể nói Nghề CTXH đã hình thành từ rất sớm trong hệ thống an sinh xã hội nhưng nó mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của một số đối tượng yếu thế và vẫn còn mang tính chất đặc thù chứ chưa mang tính phổ biến như hiện nay. Sau khi Đề án phát triển Nghề Công tác xã hội được ban hành thì kéo theo đó là nở rộ của các loại hình dịch vụ và đối tượng phục vụ. Đã tiếp cận và can thiệp hỗ trợ rất lớn cho những người gặp khó khăn (người nghèo, người khuyết tật, nghiện, HIV, tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già ...). Các loại hình dịch vụ Công tác xã hội đã đáp ứng được các tiêu chí: Phòng ngừa, can thiệp sớm, hỗ trợ phục hồi và phát triển cho những đối tượng gặp các vấn đề xã hội và cần sự trợ giúp.

 - Song song với việc mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ Công tác xã hội thì hoạt động truyền thông về Nghề Công tác xã hội, các dịch vụ CTXH, nâng cao nhận thức kỹ năng của người dân ở cộng đồng cũng được đẩy mạnh cả bề rộng và chiều sâu, đa dạng hóa các loại hình truyền thông trực tiếp, gián tiếp trên nhiều kênh thông tin (Báo, Đài, Tạp chí, tờ rơi, pa nô, áp phích, băng zôn),… Đồng thời Trung tâm đã triển khai thực hiện có hiệu quả một số mô hình, đề án hỗ trợ phát triển cộng đồng như: Mô hình "Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật"; "Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng"; "Hỗ trợ gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn";…

 Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 6 năm qua, các hoạt động Công tác xã hội của Trung tâm đã từng bước khẳng định được vai trò điều phối, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh; là đơn vị đóng vai trò trung gian, kết nối các nguồn lực, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh. là đơn vị đóng vai trò trung gian, kết nối các nguồn lực, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh, là địa chỉ “Đỏ” để các cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự Phiên tọa đàm với chủ đề "Ngày mai tươi sáng"

Nhìn lại chặng đường qua, mỗi cán bộ công chức, viên chức, nhân viên Công tác xã hội đều có quyền tự hào đã góp phần hoàn thành sứ mạng của mình là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng. Với những hoạt động thiết thực nhất không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH theo phương châm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cá nhân, gia đình và cộng đồng khó khăn yếu thế. Dịp kỷ niệm Nghề Công tác xã hội lần thứ nhất là lúc toàn thể cán bộ công chức, viên chức, nhân viên Công tác xã hội nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống đoàn kết, phấn đấu và cố gắng không mệt mỏi để quyết tâm vượt qua những thách thức mới, đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
Cũng tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh Thái Nguyên đã kêu gọi toàn thể cán bộ, người lao động, nhân viên Công tác xã hội ngành Lao động – TBXH cùng đoàn kết, phát huy mục tiêu “Công tác xã hội- Vì hạnh phúc của mọi người”, hăng hái thi đua, chung sức xây dựng nghề Công tác xã hội phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp an sinh xã hội của địa phương.

Nhân viên CTXH trợ giúp người khuyết tật

Tại Lễ kỷ niệm, đông đảo các đại biểu đến từ các sở, ngành, đơn vị liên quan và người dân thuộc diện hỗ trợ của công tác xã hội đã trao đổi, chia sẻ về nghề công tác xã hội. Qua đó, hầu hết các ý kiến đều nhận định nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng ở nhiều góc cạnh của cuộc sống, như: Bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các thành viên trong gia đình giải quyết xung đột, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người già và người khuyết tật...

Đoàn Thanh niên, Câu lạc bộ tình nguyện viên CTXH của Trung tâm CTXH tỉnh tổ chức hoạt động diễu hành

Trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam, Đoàn thanh niên, Câu lạc bộ tình nguyện viên CTXH của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hoạt động diễu hành để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nghề CTXH và chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.


 

 

 

 

 

 

 

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll