Lạng Sơn: Những kết quả bước đầu trong triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội

09/05/2013 15:04

Triển khai Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32), ngày 22/3/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 411/QĐ- UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015. Qua hơn hai năm thực hiện, đến nay đề án đã có những bước đi đầu tiên...

Lạng Sơn: Những kết quả bước đầu trong triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, tỉnh phải thực hiện 6 vấn đề lớn, là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác xã hội và nghề Công tác xã hội; điều tra, thu thập thông tin, xây dựng dữ liệu phát triển nghề Công tác xã hội; phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên Công tác xã hội; áp dụng mã ngạch, chức danh, áp dụng ngạch bậc lương viên chức Công tác xã hội; xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội; tổ chức đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Công tác xã hội...

Trong năm 2012, với trách nhiệm được giao, các cơ quan đã tích cực triển khai kế hoạch này. Trước hết, Sở Lao động- TBXH đã xây dựng, biên tập, in ấn trên 1200 cuốn Hệ thống văn bản Đề án phát triển nghề Công tác xã hội cung cấp cho các sở, ban, ngành trong tỉnh, các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nghề công tác xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp với Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ công chức, Trường Đại học Lao động- Xã hội tổ chức tập huấn kỹ năng công tác xã hội cho cho 350 cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên Công tác xã hội trên địa bàn, qua đó giúp nâng cao kiến thức về nghề CTXH, bước đầu nắm bắt được nghiệp vụ cơ bản về nghề CTXH, từ đó giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ CTXH trên địa bàn dần đáp ứng với nhu cầu hiện nay.
Công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án được đẩy mạnh với việc xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra giám sát tình hình phát triển nghề công tác xã hội tại 9 huyện là Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng... Các nội dung giám sát kiểm tra bao gồm nắm bắt thực trạng về công tác xã hội; tình hình triển khai thực hiện công tác xã hội; việc hướng dẫn, trao đổi, tư vấn, kỹ năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các huyện và một số xã trên các địa bàn. Qua kiểm tra, đánh giá có thể nhận thấy ở hầu hết các huyện, các chức năng của công tác xã hội chỉ được thực hiện trong vai trò, chế độ, chính sách, hoạt động từ thiện, nhân đạo và vận động xã hội ở một số cơ quan đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Trong khi đó, theo báo cáo của các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có trên 13.700 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Đây đều là những người cần đến sự trợ giúp xã hội, cần được sử dụng các dịch vụ CTXH để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm CTXH chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực này và các kiến thức liên quan.

Để tạo điều kiện cho những đối tượng bảo trợ xã hội có thể tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ, trong năm, tỉnh đã xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Nhiệm vụ chính của trung tâm là tiếp nhận thông tin hoặc yêu cầu của đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, tiến hành đánh giá nhu cầu, phân loại và chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ đối tượng tiếp cận với các dịch vụ như giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý hoặc kết nối thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tiếp nhận và nuôi dưỡng những đối tượng cần tới sự bảo vệ khẩn cấp, người nghiện ma túy và mại dâm. Các đối tượng phục vụ bao gồm người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người tâm thần, các đối tượng có vấn đề xã hội như bệnh nhân ở các bệnh viện, học sinh trường giáo dưỡng...
Tháng 7/2012, Trung tâm đã chính thức đi vào hoạt động và sau 5 tháng, đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ quản lý cho 43 trường hợp, tập trung chủ yếu là đối tượng bỏ nhà đi lang thang, có nguy cơ bỏ học, tư vấn về các chế độ chính sách dành cho người khuyết tật, vấn đề tranh chấp tài sản. Ngoài ra, còn tư vấn trực tiếp về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, các trường hợp trẻ có vấn đề về tâm thần, có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị bạo hành. Ngoài các hoạt động tư vấn, trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh còn vận động kết nối hỗ trợ cho 34 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng, cơ nhỡ, hỗ trợ học bổng, đồ dùng cá nhân, khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 159 triệu đồng. Đồng thời còn tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành về CTXH cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng như tiếp nhận, khảo sát dự án giảm nghèo, thăm và tặng quà trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ mồ côi, khám và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng bảo trợ...

Trên cơ sở các công việc đã thực hiện trong năm 2012, bước vào năm 2013, Sở Lao động- TBXH, cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch sẽ tiếp tục tuyên truyền với mục tiêu 100% cán bộ lãnh đạo cơ sở hiểu về Đề án 32, về tầm quan trọng của nghề công tác xã hội, 100% cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã, phường, thị trấn nhận thức được sự cần thiết phải có kỹ năng công tác xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Từng bước hình thành đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để thực hiện các chương trình an sinh xã hội như trợ giúp trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật, người cao tuổi không có khả năng nuôi sống bản thân, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, xâm hại,… Phấn đấu trong giai đoạn 2011- 2015, sẽ tổ chức đào tạo lại cho 120 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học; tập huấn kỹ năng cho 348 người.
Ngoài ra, Sở Lao động- TBXH tỉnh sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo tiếp tục đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho 194 cán bộ, nhân viên Công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 124 người. Phát triển mạng lưới cán bộ làm CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH cho 22 xã/ 226 xã, phường, thị trấn với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định (mỗi huyện 2 xã). Hoàn thành chuyển đổi Trung tâm Bảo trợ xã hội sang Trung tâm Công tác xã hội... tạo “bước ngoặt” để hình thành nghề Công tác xã hội.
Nghề Công tác xã hội không phải là nghề mới. Trên thực tế, mã ngành đạo tạo và chương trình khung đào tạo nghề Công tác xã hội ở bậc đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) đã được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2004 và đã có trên 30 trường ĐH, CĐ trong cả nước mở mã ngành đào tạo. Tuy nhiên, đến nay trên cả nước mới có từ 1500 đến 2000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm và như vậy, nguồn nhân lực cho ngành Công tác xã hội rất thiếu. Tuy vậy, nhận thức của xã hội về nghề này vẫn còn rất mơ hồ. Bằng chứng là kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vẫn chưa có hồ sơ nào ghi nguyện vọng vào ngành Công tác xã hội. Trao đổi với chúng tôi, các em học sinh Trường THPT Lộc Bình, Hữu Lũng... rất ít em biết về nghề này. Từ chỗ không biết nghề đó là nghề gì, các em sắp bước vào ngưỡng cửa các trường đại học, cao đẳng chưa dám “mạo hiểm” khi ghi nguyện vọng. Theo chị Nguyễn Thị Minh Yến, cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động- TBXH, thì công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn, nhất là sự vào cuộc của ngành GD&ĐT sẽ giúp định hướng nghề nghiệp của học sinh ngay từ những năm đầu của trường THPT.
Trong giai đoạn chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như phân hóa giàu nghèo, suy thoái môi trường, tình hình bạo lực gia đình, xã hội, khủng hoảng tài chính... thì chính nghề công tác xã hội góp phần giải quyết những vấn đề này để nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, góp phần cho sự công bằng xã hội. Nghề công tác xã hội là một nghề mang đậm tính nhân văn, do đó nó rất cao quý, hy vọng rằng, mùa tuyển sinh năm nay ở Lạng Sơn sẽ có những hồ sơ đầu tiên ghi nguyện vọng vào học ngành công tác xã hội.
Thu Hương

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll