Hưng Yên: Những kết quả bước đầu trong việc triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội

16/06/2013 10:33

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng gần 166 nghìn đối tượng (chiếm 28,8% dân số) cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các dịch vụ công tác xã hội. Trong đó có gần 27 nghìn người cao tuổi, gần 3.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 19.600 người khuyết tật, trên 5 nghìn người tâm thần và còn hàng nghìn người nghiện ma túy, có HIV/AIDS, người thuộc hộ gia đình nghèo, nhiều nhóm người nảy sinh các vấn đề xã hội… Đây là những đối tượng cần được sự giúp đỡ, vì vậy việc phát triển nghề Công tác xã hội sẽ mở ra cơ hội giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Hưng Yên: Những kết quả bước đầu trong việc triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội
Để trợ giúp các đối tượng từng bước ổn định cuộc sống tỉnh đã tập trung nguồn lực, ban hành nhiều cơ chế chính sách mới để thực hiện như: tín dụng ưu đãi, cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người tàn tật vào các trung tâm bảo trợ xã hội… Toàn tỉnh Hưng Yên có 4 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 1 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập và 1 Trung tâm giáo dục chữa bệnh lao động xã hội với gần 300 cán bộ, nhân viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng 750 đối tượng bảo trọ xã hội. Ngoài ra, mạng lưới cán bộ, nhân viên CTXH đã được mở rộng với khoảng 2.000 nghìn người đang công tác, làm việc trong các lĩnh vực khác liên quan đến công tác xã hội như các cộng tác viên dân số, cán bộ làm công tác trẻ em, các thành viên trong tổ hòa giải ở các khu dân cư… để trợ giúp các đối tượng xã hội và thực hiện công tác xã hội.

Triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội, tỉnh đã nhanh chóng thực hiện và cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trên địa bàn. Sở Lao động- TBXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban. Tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nghề CTXH, được sự hỗ trợ kinh phí từ trung ương, tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức lớp đào tạo trình độ đại học cho 54 sinh viên năm thứ 2, là địa phương đầu tiên của khu vực phía Bắc triển khai đào tạo ở trình độ đại học CTXH. Hàng năm, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về CTXH cho 300 người là cán bộ ngành Lao động- TBXH, các đoàn thể chính trị, cộng tác viên CTXH.

 

Cùng với đó, để tạo điều kiện trong việc trợ giúp các đối tượng có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH một cách thuận tiện, Sở Lao động- TBXH, đơn vị được giao thực hiện chương trình đã xây dựng Đề án chuyển đổi Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh thành Trung tâm Bảo trợ Xã hội và Cung cấp dịch vụ CTXH theo mô hình của tỉnh Thái Bình và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đề án, Trung tâm sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin hoặc yêu cầu của đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; đánh giá nhu cầu, phân loại và đề nghị giải quyết trợ cấp xã hội, trợ giúp đối tượng tại các mô hình gia đình, cá nhân; hỗ trợ các đối tượng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý; tiếp nhận, nuôi dưỡng ngắn hạn tại cơ sở bảo trợ xã hội đối với các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; trị liệu, phục hồi tâm lý; nghiên cứu, khảo sát, truyền thông - vận động chính sách… Cũng theo kế hoạch, trong tháng 11 tới, Sở Lao động- TBXH sẽ phối hợp với các sở, ngành trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH cấp xã, với 161 người/161 xã, phường, thị trấn. Những cộng tác viên này đã được tập huấn và cấp chứng chỉ đào tạo nghề CTXH.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH, tỉnh Hưng Yên cũng gặp phải một số khó khăn: Theo Đề án Phát triển nghề CTXH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2010- 2015 sẽ hỗ trợ ít nhất 10 tỉnh, thành phố xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH cấp tỉnh và Hưng Yên được chọn là một trong những địa phương sẽ thực hiện thí điểm mô hình này. Song đến thời điểm này, Bộ Nội vụ lại chỉ ban hành văn bản xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH cấp huyện. Điều này đã gây khó khăn cho các địa phương nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng trong việc xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội.
Về kinh phí để thực hiện, ngoài nguồn kinh phí của trung ương hỗ trợ, ngân sách của tỉnh đầu tư cho Đề án 32 còn rất hạn hẹp (Năm 2011, ngân sách địa phương bố trí được 150 triệu đồng, còn trong hai năm 2012 và 2013 ngân sách địa phương không bố trí kinh phí cho đề án).
Cùng với đó là nhận thức, hiểu biết của xã hội nói chung về nghề CTXH còn hạn chế, các cấp, các ngành chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để thực hiện đề án. Trình độ và năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ nhân viên CTXH chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Mặt khác, nhu cầu sử dụng dịch vụ CXTH của người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế rất đa dạng và phong phú nhưng do thói quen và chưa nhận thức đầy đủ về các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH nên các đối tượng chưa chủ động đến tiếp cận với các dịch vụ này.
Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nghề công tác xã hội và cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp. Những cán bộ đã và đang làm việc ở các trung tâm và làm công việc liên quan đến công tác xã hội… được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, chưa qua đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn; phương pháp chăm sóc, kỹ năng tiếp cận tư vấn, trợ giúp đối tượng cũng như việc kêu gọi, vận động thu hút nguồn lực trợ giúp đối tượng còn nhiều hạn chế… Trong khi đó các đối tượng tác động của nghề công tác xã hội đều rất đặc biệt, đòi hỏi người làm nghề phải có những phẩm chất và nghiệp vụ đặc biệt. Chẳng hạn như ở Trung tâm Giáo dục, chữa bệnh lao động xã hội, hàng ngày trong giờ làm việc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn căng thẳng theo dõi, phát hiện sớm những biểu hiện tâm lý bất thường của học viên để phòng ngừa và chủ động đưa ra biện pháp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra nhưng lại phải bảo đảm cho đối tượng không bị cảm giác phân biệt đối xử… Tất cả những công việc, yêu cầu đó đòi hỏi người làm công tác xã hội phải được trang bị kiến thức tổng hợp về xã hội học, tâm lý học và rất nhiều nghiệp vụ khác, mà trên hết là một tấm lòng nhân ái, bao dung để có thể cảm thông và vượt qua những áp lực.
Để công tác xã hội đạt được hiệu quả như mong muốn, thực sự trở thành chính sách ưu việt, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội ổn định cuộc sống, Sở Lao động- TBXH cũng đề nghị Bộ Lao động- TBXH, UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân về nghề CTXH, thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội và Cung cấp dịch vụ CTXH cấp tỉnh, làm đầu mối phối hợp chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của Đề án.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền cùng sự quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng thì nghề Công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển toàn diện và sâu rộng. Cùng với đó là những hoạt động cụ thể được thực hiện nhằm đem lại hiệu quả thiết thực đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Bởi vậy hơn lúc nào hết, nghề công tác cần được quan tâm đầu tư để sớm phát huy tác dụng, đi vào đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu.
Hồng Phượng


;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll