Bắc Giang: Những khó khăn trong việc triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội

24/05/2013 16:22

Bắc Giang là một tỉnh trung du phía bắc, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn. Số đối tượng bảo trợ xã hội cần sự trợ giúp là rất lớn, chiếm khoảng 40% dân số, bao gồm khoảng 78.000 hộ nghèo, 35.000 hộ cận nghèo, 132.000 người cao tuổi, 27.500 người khuyết tật, trên 30.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 6.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.371 người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, 240 gái mại dâm... Với mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội trong hoạt động trợ giúp các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được một hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội có khả năng đáp ứng nhu cầu của đối tượng.

Bắc Giang: Những khó khăn trong việc triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội
Trên địa bàn tỉnh hiện có 06 cơ sở bảo trợ xã hội với gần 200 cán bộ, nhân viên, trong đó 5 cơ sở thuộc ngành Lao động TB&XH (03 cơ sở bảo trợ xã hội; 01 Trung tâm Điều dưỡng người có công; 01 Trung tâm Giáo dục Lao động- Xã hội) và 01 Trung tâm trợ giúp pháp lý cho người nghèo thuộc Sở Tư pháp. Các cơ sở này thường xuyên được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động, hàng năm tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và chữa bệnh cho trên 700 đối tượng là người khuyết tật, người tâm thần, gái mại dâm, người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, bỏ rơi, người già yếu cô đơn không nơi nương tựa...và trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khoẻ cho hàng ngàn đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng của tỉnh.
Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, Bắc Giang đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội từ cấp tỉnh tới các xã, phường, thị trấn. Hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có các phòng chuyên trách công tác xã hội như Phòng Bảo trợ xã hội; Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em; Quỹ bảo trợ trẻ em; Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện đã có một số cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội; 230 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được bố trí 02 cán bộ làm công tác văn hoá- xã hội/ xã; Hội Chữ thập đỏ có nhân viên công tác xã hội ở cấp xã...

Triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32), Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến và triển khai các văn bản của Trung ương về phát triển nghề công tác xã hội. Trên cơ sở đó, đã ban hành các văn bản có liên quan theo thẩm quyền của địa phương nhằm tạo môi trường đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền về nội dung đề án, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành và người dân về vai trò, vị trí của công tác xã hội; tuyên truyền, định hướng để người dân biết sử dụng các dịch vụ CTXH. Đồng thời triển khai hướng dẫn về mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội; tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Cụ thể là áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức công tác xã hội làm việc trong các Sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và cấp huyện, cấp xã theo hướng dẫn của Trung ương. Xây dựng, kiện toàn mạng lưới công tác xã hội từ tỉnh đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn.

 

 

Năm 2012, tỉnh Bắc Giang đã mở được 12 lớp đào tạo về nghề công tác xã hội cho hơn 700 học viên, bao gồm cán bộ làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội cấp tỉnh của các ngành Lao động- TBXH, tư pháp, y tế, đoàn thể, trung tâm trợ giúp pháp lý và ở cấp huyện là cán bộ các hội phữ, đoàn thanh niên và công chức cấp xã liên quan đến công tác xã hội. Các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực CTXH như khái niệm, đối tượng nghiên cứu, tác nghiệp, phương pháp, mục đích, chức năng của công tác xã hội; Mối quan hệ của công tác xã hội với một số ngành khoa học xã hội ; vị trí vai trò, thái độ nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội ; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của nhân viên công tác xã hội; Giới thiệu về công tác xã hội cá nhân và tham vấn; Hệ thống lý thuyết nền tảng của tham vấn, nguyên tắc tham vấn, hệ thống kỹ năng tham vấn cơ bản, giới thiệu công tác xã hội nhóm, quản trị công tác xã hội...
Căn cứ Chương trình khung về đào tạo nghề công tác xã hội của Bộ Lao động- TBXH, Sở Lao động- TBXH đã ký hợp đồng đào tạo với các trường, cơ sở dạy nghề có chức năng đào tạo nghề công tác xã hội để biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo số giờ học và nội dung bài giảng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành hiểu về nghề CTXH thông qua cac hoạt động như in cẩm nang, tài liệu tuyên truyền về nghề công tác xã hội cấp miễn phí cho các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan...
Mặc dù vậy, do là một lĩnh vực mới nên nhận thức về nghề công tác xã hội của các ngành, các cấp và người dân địa phương còn hạn chế, việc triển khai đề án chưa kịp thời; các trung tâm của tỉnh năng lực chưa đáp ứng hết các vấn đề xã hội nẩy sinh trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội của tỉnh chưa theo kịp với nhiệm vụ; luôn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, phần lớn số cán bộ kiêm nhiệm công tác văn hoá- xã hội cấp xã và cán bộ, nhân viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ trước đến nay chưa được đào tạo về nghề công tác xã hội, do đó thiếu những kỹ năng trợ giúp, chăm sóc các đối tượng yếu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện công tác xã hội trên địa bàn.
Hơn nữa, mức chi cho việc đào tạo cán bộ CTXH hiện tại là 50.000 đồng/người/ngày còn thấp, chưa khuyến khích đối tượng yên tâm học tập. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động-TBXH tỉnh), do công tác xã hội là một nghề mới nên để khuyến kích các các cán bộ yên tâm học tập nên chăng cần có chính sách đào tạo miễn phí cho mọi đối tượng tham gia.
Triển khai Thông tư 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010 của Bộ Nội vụ về ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội và Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 8/11/2010 của Bộ Lao động- TB&XH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, Sở Lao động- TBXH đã hướng dẫn các đơn vị, cơ sở bảo trợ xã hội, bệnh viện, toà án, trường học các cấp áp dụng thực hiện, mở rộng các dịch vụ công tác xã hội trợ giúp các đối tượng theo hướng linh hoạt và tăng mức trợ giúp cho đối tượng cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn. Đồng thời, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan quy định về nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội và thủ tục giải quyết việc cung cấp dịch vụ xã hội đối với các cá nhân, gia đình, nhóm đối tượng hoặc cộng đồng có vấn đề xã hội cần giải quyết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai đã gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản, kế hoạch hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành và chưa có các hoạt động tập huấn.
Năm 2015, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tăng khoảng 10% số cán bộ CTXH trên địa bàn, trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội. Xây dựng thí điểm 02 Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại thành phố Bắc Giang và 01 huyện. Trước mắt, năm 2013, tỉnh sẽ mở một lớp đại học tại chức cho 80 chỉ tiêu công chức trong ngành chưa được chuẩn hóa trình độ và mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng về nghề CTXH.

Nguyễn Minh Anh

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll