[MOLISA] Hội nghị chuyên đề công tác Bảo trợ xã hội năm 2015

07/05/2015 09:53

Trong 2 ngày 20 - 21/4/2015, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác bảo trợ xã hội năm 2015 nhằm đánh giá những kết quả của lĩnh vực bảo trợ những năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Tham dự Hội nghị có bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH; ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng đại diện một số Bộ, ngành chức năng, tổ chức quốc tế, Lãnh đạo các Sở LĐ-TBXH, phòng Bảo trợ Xã hội các tỉnh, thành phố và một số mô hình Trung tâm Bảo trợ Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội...

[MOLISA] Hội nghị chuyên đề công tác Bảo trợ xã hội năm 2015

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH, công tác bảo trợ xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn cả nước có khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả khoảng 11.700 tỷ đồng/năm. Hệ thống văn bản chính sách trong lĩnh vực bảo trợ xã hội không ngừng được hoàn thiện, tạo một hành lang pháp lý cho việc thực hiện chính sách. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị quyết số 74 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2014, Bộ LĐ-TBXH và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 29 hướng dẫn thực hiện Nghị định 136 bảo đảm kinh phí tăng thêm để thực hiện chính sách. Bộ LĐ-TBXH đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện, đồng thời tổ chức tập huấn triển khai chính sách trợ giúp xã hội cho các địa phương.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Hội nghị

Đối với chính sách trợ giúp các đối tượng đặc thù như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, cả nước có trên 1,5 triệu người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, các địa phương đã chủ động tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi, có 46/63 tỉnh, thành đã thành lập khoa lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, hàng năm có hơn 2,08 triệu người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ. Về chính sách đối với người khuyết tật, cả nước có 770 ngàn NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, có 256 cơ sở dạy nghề, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt và 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT. Công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng được quan tâm, 100% các bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa trung ương có khoa phục hồi chức năng, 98% các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Thực hiện chính sach trợ giúp đột xuất, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 208 nghìn tấn gạo cho 43 lượt tỉnh để thực hiện cứu đói cho trên 2,4 triệu lượt hộ/10 triệu nhân khẩu thiếu lương thực, hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng để các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội nghị

Song song với đó, Bộ cũng chú trọng quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; quy hoạch phát triển cơ sở trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần giai đoạn 2013 - 2020; phát triển dịch vụ CTXH và đội ngũ nhân viên CTXH. Cả nước hiện có 34 tỉnh, thành phố thành lập và xây dựng mô hình Trung tâm Công tác xã hội trên cơ sở nâng cấp, chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, 5 tỉnh, thành phố thành lập, xây dựng mới Trung tâm CTXH. Các Trung tâm này đã cung cấp dịch vụ CTXH cho hàng chục ngàn lượt đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... Nhiều tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH theo Đề án 32.

Cục trưởng Cục BTXH Nguyễn Văn Hồi trình bày những kết quả công tác bảo trợ xã hội những năm qua và một số nhiệm vụ trong thời gian tới

Có thể nói, trong giai đoạn 2011 - 2014, các chính sách TGXH ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng. Tư duy, nhận thức, quan điểm về TGXH đã chuyển từ nhân đạo sang việc bảo đảm quyền được an sinh của người dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo đồng thời huy động được sự tham gia của cộng đồng. Mặc dù nguồn thu ngân sach còn khó khăn song Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí nguồn lực cho bảo đảm ASXH, diện trợ giúp ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp từng bước được nâng cao. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp cho đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được, công tác bảo trợ xã hội vẫn còn tồn tại một số bất cập cần phải khắc phục như: Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực TGXH còn thiếu, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng trong tình hình mới. Chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng khó khăn còn chồng chéo... Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TBXH đã đưa ra quan điểm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, năm 2015 là năm cuối của kể hoạch 5 năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, tất cả các lĩnh vực sẽ phải tiến hành đánh giá, sơ kết, tổng kết để làm rõ những mặt được, chưa được, những hạn chế, vướng mắc cả về cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện để phục vụ cho việc xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 5 năm tới và những năm tiếp theo. Chính vì vậy, tại Hội nghị, Bộ mong muốn các địa phương, đơn vị cần thảo luận rõ các nội dung: Về mặt luật pháp, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực TGXH đang có những vướng mắc, bất cập gì. Việc xác định đối tượng là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, việc lập hồ sơ và quyết định hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi không có giấy tờ tùy thân, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số; một số tỉnh đã thực hiện chuyển việc chi trả trợ cấp sang thuê một số đơn độc lập như bưu điện thì gặp thuận lợi, khó khăn gì, có nên thống nhất chỉ đạo toàn quốc không, kinh nghiệm của các tỉnh đã làm như thế nào. Vấn đề chuyển đổi phương thức hoạt động của trung tâm BTXH theo chỉ đạo của Bộ, các địa phương triển khai đến nay có gì vướng mắc. Vấn đề phát triển đội ngũ cộng tác viên CTXH theo Đề án 32, một số địa phương làm tốt, nhưng cũng có địa phương làm chưa tốt, vậy khó là ở đâu.

Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai công tác bảo trợ xã hội

Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa rất vinh dự được Bộ LĐ-TBXH chọn là địa phương tổ chức Hội nghị, đây là dịp để các tỉnh, thành trong cả nước chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác trợ giúp xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đối với tỉnh Khành Hòa, là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có vùng biển rộng với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có nhiều danh lam thắng cảnh, ngoài ra còn có 3 khu vực phát triển kinh tế xã hội trọng điểm là Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang, nên tỉnh cũng đặc biệt quan tâm tới công tác bảo trợ xã hội, triển khai nghiêm túc các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Bên cạnh đó, Khánh Hoà còn trích ngân sách địa phương để nâng mức trợ giúp xã hội lên cao gấp 1,5 lần mức tối thiểu chung của Nhà nước là 270.000 đồng từ tháng 7/2011. Thực hiện đầy đủ chính sách cấp thẻ BHYT, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định, góp phần nâng cao đời sống cho đối tượng.

Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thí điểm chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo trợ xã hội. Về cơ bản, hệ thống chính sách pháp luật lĩnh vực này đã hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc thực hiện thuận lợi. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng đối tượng chính sách đã tăng về số lượng, mức trợ giúp được điều chỉnh nâng lên. Để thực hiện tốt hơn công tác bảo trợ xã hội, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần đánh giá kết quả thực hiện các luật, chương trình hành động giai đoạn vừa qua, xây dựng khung giá dịch vụ TGXH do ngân sách Nhà nước chi trả, tiến tới hỗ trợ theo đối tượng thụ hưởng chứ không phải hỗ trợ theomô hình trợ giúp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần nghiên cứu sửa đổi Luật NKT, NCT, trình Quốc hội Luật nào cần sửa, Luật nào cần ban hành mới. Riêng đối với các địa phương, cần rà soát điều chỉnh chế độ trợ cấp xã hội cho đối tượng theo Nghị định 136; thực hiện xã hội hóa việc nuôi dưỡng đối tượng BTXH ngoài công lập; tạo điều kiện cho các cơ sở BTXH ngoài công lập đi vào hoạt động nề nếp; tập trung cải cách hành chính và thủ tục chi trả trợ cấp cho đối tượng; kiên quyết rà soát không để người dân nào phải đói…

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll