Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội đối với Trẻ tự kỷ khóa IV

22/07/2020 14:05

Sáng ngày 21/7/2020, tại Học viện Cán bộ quản lý và xây dựng đô thị Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) đã tổ chức Lễ Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội (CTXH) đối với Trẻ tự kỷ khóa IV cho 50 học viên đến từ Phòng CTXH của một số bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội, Phòng LĐTBXH tại các địa phương.

Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội đối với Trẻ tự kỷ khóa IV
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu Khai giảng khóa đào tạo

Đây là Khóa đào tạo CTXH đối với Trẻ tự kỷ thứ IV nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020.

Tới dự Lễ Khải giảng, có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; Ông Phùng Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em; PGS.TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội; PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý và xây dựng đô thị.
Các đại biểu tham dự Lễ khai giảng

Phát biểu tại Lễ khai giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ là vấn đề lớn hiện nay được nhiều bậc phụ huynh, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm. Thống kê, số lượng trẻ tự kỷ ở Việt Nam ngày càng tăng, với khoảng 1 triệu người, trong đó có 300.000 trẻ em tự kỷ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc bệnh tự kỷ. Điều này đòi hỏi công tác chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ là rất quan trọng đối với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - TBXH, Y tế. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách chăm lo, hỗ trợ trẻ tự kỷ. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật, Thông tư 01 đã đưa phổ tự kỷ vào là một trong những dạng khuyết tật. Theo đó, trẻ em tự kỷ nặng và đặc biệt nặng được giải quyết hưởng trợ cấp xã hội. Đối với những trẻ không thể tham gia học hòa nhập thì được đưa vào chăm sóc ở các trung tâm CTXH, phục hồi chức năng.

Thực tế đã hình thành nhiều mô hình tốt chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ như: Trung tâm Phục hồi chức năng Thụy An - Ba Vì, Trường Phục hồi chức năng Việt - Hàn Hà Nội; Trường Phục hồi chức năng Hải Dương, Hưng Yên, Trung tâm CTXH Bắc Ninh... Trong điều trị chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ đã có sự phối kết hợp đa ngành cả về can thiệp giáo dục, y tế và xã hội (tâm lý xã hội, CTXH lâm sàng, có nhiều ca đang can thiệp cả vật lý trị liệu và tâm lý). Đã có nhiều trẻ tự kỷ được chăm sóc, phục hồi, giáo dục tốt.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Hồi cũng cho rằng, vấn đề đặt ra trong hoạt động can thiệp đối với trẻ tự kỷ phải dựa trên các kiến thức, kỹ năng khoa học và sự phối kết hợp liên ngành; Cần có sự đánh giá, xác định được vấn đề phổ tự kỷ, các liệu pháp can thiệp, sự phối kết hợp chặt chẽ liên ngành y tế, giáo dục, công tác xã hội, tâm lý xã hội, lao động trị liệu cũng như hướng nghiệp dạy nghề cho các cháu. Còn nếu chỉ đơn lẻ từng ngành một trong can thiệp điều trị, chăm sóc trẻ tự kỷ thì hiệu quả sẽ không cao.

PGS.TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội phát biểu

Thực tế cho thấy, đóng góp quan trọng vào hiệu quả công tác chăm sóc, trị liệu trẻ tự kỷ là trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Chìa khóa của thành công chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tạo điều kiện không gian, môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ. Do đó đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật; Cần nhân rộng các mô hình, trung tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, trị liệu và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cho các địa phương.

Về phía Bộ Lao động - TBXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá Đề án 1215, xây dựng Đề án cho giai đoạn 2021-2030; Tiếp tục tham mưu với Bộ trình Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ; Xây dựng chương trình đào tạo, đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho tất cả trẻ em phổ tự kỷ ở Việt Nam, bảo đảm tất cả các cháu đều được chăm sóc, phục hồi, giáo dục, được đến trường.

Năm 2020, Cục Bảo trợ xã hội tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Lao động - Xã hội và một số trường đại học có liên quan tổ chức Khóa đào tạo nghiệp vụ CTXH đối với trẻ tự kỷ. Mục tiêu đào tạo là nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về CTXH trong chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ cho cán bộ, nhân viên các cơ sở trợ giúp xã hội. Nội dung của Khóa đào tạo gồm 9 chuyên đề: Đại cương về CTXH với trẻ tự kỷ; Tham vấn, hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ; Quản lý ca với trẻ tự kỷ; Tổng quan về trẻ tự kỷ ở Việt Nam và phương pháp giáo dục, can thiệp về hành vi, kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ; Tâm lý học lâm sàng với trẻ tự kỷ; Các phương pháp chẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỷ...

Các học viên tham dự khóa đào tạo

Chương trình học được tổ chức tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam, với thời lượng khóa học 3 tháng. Mỗi lớp học có từ 40-50 học viên tham dự, được lựa chọn trên cơ sở đăng ký của các bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội... Đây là cơ hội, là sự quan tâm của Bộ, của ngành đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chăm lo trẻ tự kỷ. Do vậy, Cục trưởng đề nghị các học viên trong thời gian học cần thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế lớp học; Tương tác, lắng nghe giảng viên giảng bài, xây dựng tốt mối quan hệ với các thầy, cô giáo để khi trở về công tác tại địa phương, cơ sở gặp những ca khó thì có thể chia sẻ, trao đổi.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trẻ tự kỷ ngày càng tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết không chỉ đối với riêng ngành, lĩnh vực nào. Thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ và gia đình trẻ tự kỷ trong suốt hơn 2 thập niên vừa qua. Qua đó đã mang lại nhiều kết quả đóng góp cho toàn xã hội trong việc hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ tự kỷ. Trong xu hướng phối hợp đa ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Giáo dục, Công tác xã hội và Y tế về hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ tự kỷ, thì việc phối hợp tổ chức Khóa đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH đối với trẻ tự kỷ của Cục Bảo trợ xã hội là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ trẻ tự kỷ tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng, vai trò và kết quả của sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và cung ứng dịch vụ cho xã hội./.

 
;

kartal escortgebze escort

Scroll