Đánh giá tác động Luật Công tác xã hội

09/08/2018 12:04

(LĐXH) - Trong 2 ngày 9-10/8, tại thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, được sự đồng ý của Bộ, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã phối hợp với Tổ chức UNICEF tổ chức Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động Luật Công tác xã hội”, với mục đích lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đối với Báo cáo đánh giá tác động và Dự thảo Luật CTXH, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH tại Việt Nam.

Đánh giá tác động Luật Công tác xã hội

(LĐXH) - Trong 2 ngày 9-10/8, tại thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, được sự đồng ý của Bộ, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã phối hợp với Tổ chức UNICEF tổ chức Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động Luật Công tác xã hội”, với mục đích lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đối với Báo cáo đánh giá tác động và Dự thảo Luật CTXH, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi; ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam; TS.Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, trường đại bọc, tổ chức quốc tế; cùng đại diện Sở Lao động – TBXH, Phòng Bảo trợ xã hội, Trung tâm CTXH một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc như: Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Phát biểu khai mạc, TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc trợ giúp đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội; quản lý trường hợp.

TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc hội thảo

Hiện nay, cả nước có khoảng 400 cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Các cơ sở này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng, như: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.

Theo báo cáo, đến nay các tỉnh, thành phố đã thành lập mạng lưới đội ngũ cán bộ nhân viên CTXH xã, phường. Tổng số đối tượng làm CTXH ở các ngành, hội, tổ chức là 200.000 người, lĩnh vực CTXH phát triển một cách cách mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương, cán bộ đã xem CTXH không chỉ là nhiệm vụ của ngành Lao động - TBXH mà còn ở các ngành, lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, tư pháp... Theo đánh giá, CTXH đã có tác động rất lớn đối với người dân, nhóm đối tượng xã hội. Việc phát triển CTXH là nhu cầu cấp thiết, thiết yếu trong xã hội.

Về vấn đề đào tạo, năm 2004, cả nước đã có 1- 2 trường tổ chức đào tạo ngành CTXH, đến nay đã có 55 trường đại học, cao đẳng có đào tạo CTXH. Ngoài ra còn 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang tham gia tổ chức đào tạo ngành CTXH. Trung bình hằng năm, đã đào tạo được 3.000 cử nhân cao đẳng về CTXH và hàng nghìn cán bộ công chức hệ vừa học, vừa làm. Bên cạnh đó, Bộ Lao động – TBXH còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ CTXH ở địa phương, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo cán bộ công tác xã hội cấp cao, CTXH với các nhóm đối tượng đặc thù như CTXH với trẻ tự kỷ, CTXH với người cao tuổi…

Trong công tác truyền thông, Bộ Lao động – TBXH đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông để xây dựng chuyên trang, chuyên mục về nghề CTXH, thông qua đó giúp người dân hiểu hơn, nhận thức rõ hơn về nghề CTXH.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, giá trị pháp lý thấp, được quy định tản mạn ở nhiều Nghị định, nhiều Luật chuyên ngành; nhiều nội dung về công tác xã hội chưa được quy định, cần thiết phải có Luật về nghề Công tác xã hội để bảo đảm tính thống nhất và tránh chồng chéo với các Luật liên quan. Nhiều quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động CTXH chưa được điều chỉnh. Nhiều Bộ, ngành, quốc tế cho rằng cần phát triển khuôn khổ pháp luật về CTXH lên một tầm cao mới thì mới có thể giải quyết được những vấn đề phát sinh trong xã hội. Cùng với đó, vấn để tổ chức lại, củng cố, thu gọn bộ máy hệ thống trung tâm CTXH cũng đặt ra nhiều thách thức cần phát triển đội ngũ người làm CTXH, hành nghề CTXH chuyên nghiệp nhưng phải tuân thủ quy định về viên chức. Tất cả những vấn đề này nếu ở tầm nghị định thì không giải quyết được mà chỉ có thể giải quyết ở tầm luật. Do vậy, cần phải có một luật riêng về CTXH để nhân viên CTXH có đủ chức trách, nhiệm vụ thực hiện hoạt động nghề nghiệp để đến đầu năm 2019, có thể trình Bộ hồ sơ Luật CTXH.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Trịnh Văn Tùng, Trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn cho rằng, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đã có luật hoặc quy định về nghề CTXH, đưa quy định về thực hành CTXH vào các luật chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực phúc lợi trẻ em, sức khỏe, giáo dục. Ngoài ra, các nước có luật/quy định về giáo dục, đào tạo nhân viên CTXH để đảm bảo người có đủ trình độ chuyên môn mới được hành nghề CTXH; có các hội nghề CTXH trực thuộc Chính phủ hoặc phi Chính phủ nhưng sứ mệnh và hoạt động tương đối giống nhau. Mục đích chung của Luật khung ở các nước là tạo một hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hành CTXH.

Trên cơ sở rà soát Luật quốc tế về CTXH, PGS. TS Trịnh Văn Tùng đưa ra khuyến nghị cần xây dựng một Luật khung cấp quốc gia để bao phủ các vấn đề then chốt của nghề CTXH như: Định nghĩa về các chức danh CTXH; các cấp hoạt động và phạm vi hoạt động đi kèm với mỗi chức danh; quy định về vấn đề đào tạo, chứng chỉ, giấy phép hành nghề CTXH; cơ quan quản lý chủ quản cấp quốc gia về CTXH…

TS. Nguyễn Hiệp Thương: "Việc xây dựng luật khung sẽ tạo hành lang pháp lý cho thực hành CTXH"

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng Khoa Công tác xã hội (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng nêu lên mục đích, sự cần thiết của CTXH, vai trò cán bộ xã hội trong làm việc với cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và các tổ chức. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng Luật khung CTXH nhằm tạo hành lang pháp lý cho thực hành CTXH để bảo vệ người dân. Cụ thể, xác định ai là người hành nghề CTXH; cơ chế đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ và cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc cung cấp dịch vụ phù hợp với quy định của pháp luật; xác định các phương thức công bằng và khách quan trong quan hệ giữa người hành nghề CTXH và khách hàng.

TS. Nguyễn Hải Hữu, chuyên gia cho rằng, cần làm rõ luận cứ cho việc hành thành Luật khung CTXH, các thủ tục theo quy định của Luật mới gồm những nội dung gì, cần phân tích thấy sự cần thiết của việc ban hành Luật CTXH trong bối cảnh mới. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều luật, đã có những quy định về nghề CTXH nhưng mang tính gián tiếp, chưa cụ thể nhưng nếu chỉ căn cứ vào đó thì chưa thể thực hiện được. Do vậy, cần phải có luật chuyên ngành mang tính chất chi tiết hay là khung.

TS. Nguyễn Hải Hữu cũng đưa ra khuyến nghị, việc đánh giá tác động được thực hiện khi đã dự thảo xong luật, và chỉ chọn một số vấn đề còn đang tranh cãi để đánh giá tác động. Hoặc đánh giá tác động khi luật chưa ban hành nhưng tập trung vào vai trò của Luật khi ra đời, có đáp ứng nhu cầu của người dân không.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận, chia sẻ ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, từ kết quả đạt được và kinh nghiệm của quốc tế, việc xây dựng Luật CTXH là thực sự cần thiết. Khi đã có định hướng, đề án, việc xây dựng Luật sẽ không còn nhiều khó khăn, chúng ta cũng không cầu toàn, qua thực tiễn cần hoàn thiện. Mấu chốt là vấn đề nhận thức của các cấp, các ngành và người dân. Do vậy, các bộ, ngành cần tích cực chủ động phối hợp đẩy nhanh tốc độ xây dựng Luật CTXH, sớm đưa Luật vào cuộc sống.

Báo cáo đánh giá tác động Luật CTXH cho thấy, việc xây dựng Luật nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo thực hiện quyền cơ bản của công dân, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về an sinh xã hội; Thực hiện các biện pháp để đảm bảo chính sách trợ giúp vầ cứu trợ xã hội, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi thành viên trong xã hội, nhất là nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, những người già cả, neo đơi, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Chuyên nghiệp hóa hoạt động CTXH nhằm can thiệp kịp thời và hỗ trợ hiệu quả đối với cá nhân, nhóm, gia đình, cộng đồng, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu; Nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển dịch vụ CTXH đáp ứng nhu cầu của người dân về chất lượng dịch vụ; Góp phần đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; Bảo đảm phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống; thúc đẩy nghề CTXH chuyên nghiệp nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ CTXH.

Hồng Phượng

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll